Ở độ tuổi trung niên, người ta có xu hướng tổng kết những điều đã và chưa làm được, ngẫm ngợi nhiều hơn về mục đích sống, cuộc đời. Sự hài lòng biến mất, nỗi bất an lo lắng tăng cao khiến tâm lý rơi vào khủng hoảng.
Mất động lực sống, chán chường tiếp nối chán chường
Khi còn ở tuổi 35-40, nhóm bạn 10 người của chị Mai Linh hay tự nhận họ là những “phụ nữ ổn”. Không quá giàu có nhưng họ bằng lòng với một chồng, hai con, nhà lầu, xe hơi, công việc ổn định và số dư tài khoản luôn chín chữ số hoặc có một mảnh đất nhỏ ở tỉnh xa làm quỹ dự phòng. Các cuộc gặp mặt của nhóm thường rôm rả. Họ siêng tổ chức các chuyến du lịch cùng nhau để tình bạn thêm thắm thiết.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Vậy mà vào tuổi U50, họ bỗng lười họp nhóm. “Dạo này mình bị chứng lo âu, bất an, mất động lực sống. Chắc mình bị khủng hoảng tuổi trung niên rồi. Có ai giống vậy không?” – câu hỏi chị Linh nhắn vào nhóm lúc 1g sáng mở ra một loạt chia sẻ. Ai cũng thừa nhận dù không còn nỗi lo cơm áo, nhưng tâm lý rất bất an, buồn rầu, hay hoang mang vô cớ.
Sự thay đổi này không chỉ khiến chất lượng sống suy giảm, các cá nhân mất đi sự tự tin mà còn dẫn tới giảm khả năng lao động sáng tạo, trong khi ai cũng đang ở giai đoạn phải lao động, nuôi con. Trong gia đình, người trung niên thường là
Khái niệm “khủng hoảng tuổi trung niên” được đưa ra lần đầu vào năm 1965 bởi nhà phân tâm học Elliott Jaques, khi tác giả nhận thấy những thay đổi rõ rệt về tâm lý ở bạn bè vào giai đoạn đầu của tuổi trung niên, với những cảm giác tiêu biểu là chán nản, đau khổ, mất mát. |
trụ cột kinh tế, là điểm tựa của con cái, cha mẹ. Ở nơi làm việc, họ là người có kinh nghiệm, thậm chí chịu trách nhiệm gồng gánh tập thể. Nhìn trên diện rộng, nếu khủng hoảng tuổi trung niên không được nhận biết và xử lý sẽ ảnh hưởng tới tâm lý xã hội.
Tiếp nhận cuộc đổ dốc
Chị Thùy Anh (45 tuổi) trong nhóm của chị Mai Linh hiện sống ở Q.3, TP.HCM cho biết chị thiếu ngủ triền miên. Là viên chức nhà nước, Thùy Anh có cuộc sống điển hình của một phụ nữ đô thị: sáng đi làm, chiều về lo cơm nước cho gia đình, sau bữa cơm thì dọn dẹp, nhắc con cái học hành, vợ chồng xem ti vi hoặc lướt mạng trước khi về phòng ngủ.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Dù đi ngủ sớm nhưng đêm nào cũng trằn trọc tới 1-2 giờ sáng nên nhan sắc chị “tuột dốc”. Thần sắc bơ phờ hốc hác, nếp nhăn ngày một trầm trọng, cân nặng cũng tăng nên dáng chị xổ ra khiến chị trông già hẳn. Do từng là người đẹp đầy tự tin, chị Thùy Anh rất căng thẳng với các dấu hiệu lão hóa. Chị không dám đi gặp người lạ, nhạy cảm với lời khen chê. Trong khi vợ “toan về già” thì chồng chị – người đàn ông cùng tuổi – vẫn gọn gàng, nhanh nhẹn và vui tươi với đầy ắp hoạt động.
Đó là lý do chị ghen bóng ghen gió, lo anh có người tình, lo gia đình tan vỡ… Đó cũng là lý do chị đổ rất nhiều tiền vào phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, công cuộc dao kéo “níu thanh xuân” chẳng những không giúp chị giảm buồn lo mà thậm chí còn làm tinh thần chị tệ hơn.
Phụ nữ trung niên thường căng thẳng vì ngoại hình không còn như trước, suy giảm ham muốn tình dục. Họ trở nên tự ti, nhạy cảm với lời khen tiếng chê, dễ so sánh, tự ái. Đây cũng là độ tuổi phụ nữ thích chỉnh sửa nhan sắc. |
Các chuyên gia nói khủng khoảng trung niên xảy ra ở biên độ tuổi khá rộng, từ 40-60, nhưng thường vào đầu trung niên.
Ở phụ nữ, các dấu hiệu khủng hoảng dễ bị bỏ qua vì nhầm với biểu hiện tâm lý phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh; thường bị đánh đồng với nỗi buồn lo mất việc, chuyển đổi công việc, đầu tư thất bại, hôn nhân không hạnh phúc, người thân gặp nạn, cha mẹ già yếu hoặc đi xa…
Ở nam giới, khủng hoảng tinh thần thường liên quan tới những biến cố sức khỏe, công việc, tài chính… Càng là trụ cột gia đình, họ càng nhiều áp lực. Vì bất an, lo cho tương lai, nhiều người bắt đầu so sánh với bạn đồng niên. Sự so sánh này gây ra nỗi mặc cảm.
Nam giới trung niên thường lo âu, mất ngủ khi những dự định chưa thể thực hiện, nhà chưa xây, con cái chưa học xong, chưa thể báo hiếu thì cha mẹ đã đi xa… |
Không chỉ chị em mặc cảm về hình thức, những sợi tóc bạc, những lớp mỡ bụng, những căn bệnh mạn tính… cũng khiến người nam trung niên lo lắng, tự ti… Họ ngần ngại gặp gỡ, chia sẻ, có xu hướng thu vào thế giới riêng cô độc. Đó là điều kiện để nỗi u uất, lo âu lớn mạnh thành bệnh lý.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
Học cách bình tĩnh sống
Trung niên được xem là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ sung sức sang già nua bệnh tật. Thật may, giai đoạn này tương đối dài, giúp con người làm quen với quy luật sinh – lão – bệnh – tử của muôn loài. Gần đây, có xu hướng con người tập trung vào thân tâm, gìn giữ và xây dựng sức mạnh nội tại. Các chương trình huấn luyện, du lịch tỉnh thức, các khóa thực hành tĩnh tâm… được tổ chức khá nhiều, thu hút nhiều khách hàng độ tuổi trung niên.
Anh Minh Thành (52 tuổi, giám đốc một công ty xây dựng nhỏ ở Q.4, TP.HCM) từng suy sụp nặng nề sau tin mẹ anh phải chạy thận. Anh nói: “Tôi lên mạng tìm tài liệu đọc, nhờ người bạn làm việc trong lĩnh vực tâm lý tìm các bài giảng trị liệu tinh thần trên YouTube. Dù rất khó để “quẳng gánh lo đi” khi quỹ thời gian không còn nhiều mà cha mẹ lại sắp đi xa nhưng ai cũng phải cố gắng. Bình tĩnh và bình tĩnh là câu thần chú của tôi lúc này”.
Cũng như anh Thành, để có cuộc sống an nhiên, nhiều người tìm cách chữa lành từ bên trong: triệt tiêu những suy nghĩ u ám, những phán đoán tiêu cực. Với những rắc rối, biến cố của cuộc đời, họ chọn cách gỡ từng lớp, từng bước.
Việc gì ngoài khả năng, không thể xử lý, phải học cách chấp nhận. Thực tế có những người mà cha mẹ đi xa đã 5-10 năm vẫn chưa thôi suy sụp trong khi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, công việc phải làm, con cái phải nuôi, hạnh phúc gia đình phải chăm sóc…
Ảnh mang tính minh họa |
“Trước đây, tôi rất ghét người “nói đạo lý” nhưng bây giờ tôi lại đang nói đạo lý: phải học cách chấp nhận các quy luật cuộc sống. Mọi biến cố, nỗi đau, lỗi lầm trong cuộc đời giúp ta trưởng thành hơn. Chẳng người thân nào, dù đang ở bên hay đã khuất, muốn chúng ta sống kém chất lượng. Chúng tôi cũng dạy con từ nhỏ phải suy nghĩ lạc quan, tươi sáng trong mọi hoàn cảnh” – vợ anh Minh Thành chia sẻ.
Lọc bạn và thêm bạn phù hợp
Tùy tính cách hướng nội hay hướng ngoại nhưng nhìn chung, một người chỉ nên “một mình” khi nội tâm đã vững mạnh ở mức cảm thấy mọi thứ bình an, nhẹ nhõm. Nếu “một mình” mà chưa bằng lòng với bản thân, bạn cần có người thân, tình thân, các mối quan hệ xã hội tích cực.
Với những sự đổi thay của cơ thể, nhiều người chọn tham gia các khóa học lành mạnh (học kỹ năng mới; theo các lớp thể dục, vận động để tăng hoóc-môn hạnh phúc; chăm sóc da, tóc… cải thiện sức khỏe và ngoại hình…).
Các chuyên gia cũng khuyên người ở độ tuổi nhạy cảm này càng cần “chọn bạn mà chơi”. Đó có thể là các câu lạc bộ, hội nhóm cùng lứa tuổi, cùng mối quan tâm, cùng nuôi dưỡng niềm đam mê cá nhân… Cần tránh xa những hội nhóm thích châm chọc, xoáy vào những bất công xã hội; thích “hóng drama”, “bóc phốt”, phóng đại cảm xúc, kích thích suy nghĩ tiêu cực.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Thực tế, không ít trung niên vì quá cô đơn đã chia sẻ, tâm sự với người bên ngoài, tìm kiếm sự mới mẻ trong các quan hệ rồi tiến tới ngoại tình. Vì chán chường cuộc sống hiện tại, nhiều người rơi vào những cái bẫy khởi nghiệp, hô hào đầu tư sinh lợi nhanh chóng…
Ngày nay, tuổi thọ con người rất cao, bước tới trung niên nghĩa là bạn mới đi một nửa đường đời. Việc chuẩn bị thật tốt cho chặng đường phía trước giúp giảm đi những nỗi lo lắng. Tùy nguyên nhân và hoàn cảnh để “điều trị tâm lý” nhưng phải theo hướng tích cực vì nếu vấp ngã ở độ tuổi này, bạn còn rất ít cơ hội để sửa chữa.
Thực tế, không ít người có tuổi già bão giông vì những xáo trộn, sai lầm của tuổi trung niên.
Châu Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khung-hoang-tuoi-trung-nien-bong-nhien-lo-au-tram-uat-a1476992.html” name=””]