Ở miền Trung quê tôi, nhiều căn nhà đóng cửa như thế khi có một bạn trẻ nào đó đậu đại học, cha mẹ tiếp sức cho con bằng cách rời nhà đi làm thêm.
Tôi nhớ mãi căn nhà xưa cũ đó – căn nhà lợp bằng ngói cũ ngoại tôi mua rẻ lại từ nhà hàng xóm, khi họ có nhu cầu làm nhà mới.
Nhà tôi hồi đó, những năm 1990, thật sự neo đơn: ngoại già, má đau yếu, tôi còn bé. Tôi nhớ những bữa cơm độn khoai mà mình được ăn. “Ngoại không thích ăn cơm”, “má no rồi” là những câu tôi vẫn thường được nghe trong mỗi bữa cơm, khi má bới cho tôi một chén cơm đầy, không lẫn khoai, mì. Ngoại tôi, dù ruột nóng vì ăn khoai mì nhiều hơn cơm, vẫn nói vậy để tôi no bữa.
Má tôi dù mệt lả người vì nhường phần cho tôi, vẫn vui vẻ. “Học hành cực khổ, phải lo ăn uống cho đầy đủ” – má nói. Tôi bấy giờ 10 tuổi, cứ nghĩ mình đang ăn ráng cho hết cơm vì má và ngoại mình ăn ít.
Tác giả và má cùng căn nhà xưa |
Lớn lên, khi nhớ về căn nhà tuổi thơ, nhớ những bữa cơm chỉ mắm cáy, dưa cà, độn khoai đầy nồi thuở nào, tôi thương ngoại, thương má nhiều vô kể. Hóa ra, ngày đó mình vô tư quá.
Lại nói về căn nhà yêu thương của mình, để dựng được lên, má tôi đã gom tất cả khoản tích cóp, nhờ người ta mua gỗ, kêu mấy chú thợ mộc trong xã tới làm ròng rã nửa tháng. Tôi nhớ, khi căn nhà gỗ được dựng lên, ngày đưa bàn thờ tổ tiên vào để an vị, cúng kiếng “về nhà mới”, ngoại đã khóc. “Đây là ước mơ cả đời của ngoại. Từ nay cả nhà có chỗ che nắng che mưa an toàn hơn” – má tôi nói.
Căn nhà ngày đó được má và ngoại tôi tự tay ra bụi tre sau vườn để chặt, chẻ và vót nan, đan từng miếng phên. Những tấm phên đan bằng tre cứ thế kẹp lại thật chặt, buộc vào đòn tay và cột nhà thật chắc chắn. Mùa đông, nếu có gió mạnh, căn nhà có thể rung nhẹ theo từng đợt gió táp vào. Mùa hè thì tương đối mát, vì tấm phên đủ che cái nóng hắt vào, ngoại tôi có thể phe phẩy quạt mo cau mà nghỉ ngơi thật bình yên.
Có năm, má và tôi phải đóng cửa căn nhà yêu thương của mình, nhờ hàng xóm trông giúp. Đó là khi tôi vào Sài Gòn học đại học, rồi má tôi vào theo để đi phụ quán ăn, kiếm tiền cho tôi đóng học phí những năm đầu. Ở miền Trung quê tôi, nhiều căn nhà đóng cửa như thế khi có một bạn trẻ nào đó đậu đại học, cha mẹ tiếp sức cho con bằng cách rời nhà đi làm thêm.
Tác giả và con trai bên căn nhà mới tươm tất hơn |
Hồi má tôi vào Sài Gòn, ngoại tôi mới mất chưa lâu. Tôi nghe hàng xóm kể, má đã khóc khi gửi gắm căn nhà. Có lẽ vì má thương ngoại không ai hương khói, nhà phên vách nứa bỏ đi cả năm, có khi về nhà mối ăn sập luôn. “Đó là căn nhà kỷ niệm của ngoại”.
Thật may vì tết năm đó (2004), về lại nhà, căn nhà yêu thương của má con tôi – căn nhà kỷ niệm của ngoại vẫn còn, chỉ bị xiêu vẹo một chút do gió bão trước đó.
Vài năm sau, khi tôi tạm ổn việc học, ra trường và có được việc làm, tôi quyết định làm lại ngôi nhà – chỗ thờ tự của ngoại – được tươm tất hơn. Một phần vì lý do an toàn, phần khác, tôi cũng muốn má mình có một chỗ ở bình an hơn. Má hay nói, “nếu ngoại còn, nhìn căn nhà xây mới tinh tươm như ri, chắc chắn sẽ vui lắm”. Tôi thì nghĩ, ngoại vui vì thằng cháu không-có-cha lớn lên trong tay ngoại đã trưởng thành.
Thương ngoại, thương má, tôi mong căn nhà bé xinh của mình sẽ luôn đầy niềm vui từ sự thương, hiểu nhau như vậy, thật lâu.
Tấn Khôi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lam-lai-nha-cho-ma-a1513885.html” name=””]