Chị nhận ra rằng, không nên quá lo sợ mà cấm trẻ tiếp xúc với tiền bạc từ sớm. Trái lại, cần dạy con biết giá trị của đồng tiền.
Con gái lớn của chị năm nay 12 tuổi. Con bé từng rất lười làm việc nhà, tính tình thì cẩu thả, hay quên và vô cùng bừa bộn. Chị đã thử bằng rất nhiều cách – từ động viên, khuyên nhủ, mua sách có nội dung giáo dục cho đến cằn nhằn, la mắng, thậm chí đét đít 1-2 roi, nhưng cũng không cách gì khiến nó chăm chỉ mà dọn dẹp phòng học, phòng ngủ cũng như phụ giúp việc nhà.
Có lần, chị nghe chị dâu bảo: để dụ 2 đứa con trai chịu chơi bóng rổ, chị ấy phải “trả công” cho mỗi lần con chơi. Chị rất ngạc nhiên, nhưng rồi vội gạt đi khi nhớ tới lời dặn của bà ngoại: “Con nít là phải tránh xa tiền bạc, không nên dạy cho nó xài tiền quá sớm, coi chừng thành trẻ thực dụng”.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Thế nhưng, không thể bó tay với cái tính lười của con. Cuối cùng, chị thử… thuê con làm việc nhà. Bảng giá được đặt ra. Lau nhà, rửa chén, dọn phòng: 10.000 đồng/lần/việc. Bỏ đồ vào máy giặt, phơi đồ, xếp đồ: 5.000 đồng/mỗi công đoạn. Lau bàn ăn, lau kệ, nhặt rác: 5.000 đồng/lần. Kèm theo đó, chị không cho tiền tiêu vặt hay mua đồ chơi, truyện tranh cho con mà yêu cầu con bé phải tự kiếm tiền để mua; mẹ chỉ mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cơ bản cho con thôi.
Thấy làm việc sẽ kiếm được tiền, con bé bắt đầu có hứng thú. Nó yên lặng chăm chú quan sát khi mẹ dạy cách cắm nồi cơm điện, rửa chén dĩa, khởi động máy giặt… Những lần đầu con thực hành, vợ chồng chị theo sát, chỉ dẫn khi con làm sai.
Dần dần, con bé bắt đầu thạo việc. Mỗi ngày, nó chăm chỉ làm các đầu việc và sung sướng nhận tiền công mẹ trả vào cuối ngày. Từ lúc kiếm được tiền nhờ lao động, con bé biết tiếc tiền hơn. Đi nhà sách, mỗi khi mua đồ chơi hay truyện, dụng cụ học tập, chị thấy nó cẩn thận coi kỹ giá của từng món, so sánh hiệu này với hiệu khác rồi mới chọn chứ không chọn theo cảm tính như trước đây mà bất chấp giá tiền vì đã có cha mẹ trả.
Biết con rất thích xài điện thoại, chị cũng gợi ý con sắm một con heo đất để tiết kiệm tiền, chờ khi nào lên cấp III, cha mẹ sẽ dùng tiền ấy mua điện thoại cho con. Thế là tiền kiếm được từ làm việc nhà, con bé trích một phần bỏ ống, phần còn lại để mua bánh kẹo và những thứ con thích.
Gia đình chị có thuê cô giúp việc theo giờ, mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 2 tiếng. Từ khi được giúp mẹ và kiếm được tiền, con gái chị còn thỏ thẻ đề nghị mẹ cắt giảm giờ làm của cô giúp việc từ 3 ngày xuống còn 1 ngày/tuần, lý do vì: “Mẹ ơi con muốn làm việc, để con có cơ hội kiếm tiền nha mẹ”.
Dù để con gái làm thì đôi khi chị vẫn phải bọc lót, làm phụ mới có thể đảm bảo chất lượng công việc; nhưng chị vẫn cảm thấy rất vui vì đã dạy cho con biết yêu lao động. Chị nhận ra rằng, không nên quá lo sợ mà cấm trẻ tiếp xúc với tiền bạc từ sớm. Trái lại, cần dạy con biết giá trị của đồng tiền, từ đó con mới trân quý những gì mà cha mẹ đã làm việc vất vả mới có được.
Quang Huy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-oi-con-muon-lam-viec-a1528066.html” name=””]