Ông bà ta đã đúc kết: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” và coi đó là một phương châm sống khi phải đi xa quê, nhập hội với những người nơi ở mới. Vì vậy, mọi thành viên của gia đình phải biết cách “mua láng giềng gần”.
Nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013) từng kể, có lần vợ chồng ông phải chuyển nhà, người vợ nhờ ông sang hàng xóm mượn cái chày giã tiêu. Biết nhà có sẵn cái chày, ông tưởng vợ quên điều đó nên mới hỏi lại thì bà vợ giải thích: “Mình mới đến sống ở đây, cũng nên làm quen với láng giềng, sang mượn cái chày không phải là cách làm quen tốt sao?”…
Ảnh Upklyak |
Câu chuyện đó cho thấy sự chu toàn và cũng rất tinh ý, nhạy bén của người phụ nữ, đã quan tâm việc đến làm quen với xóm giềng mà còn biết tạo ra một cơ hội làm quen rất tốt. Vì vậy, có thể thấy, trong việc này, phụ nữ thường khéo léo và sâu sắc hơn đàn ông. Tôi nhớ hồi trước, khi mới dọn nhà đến chỗ ở mới, trong lúc tôi còn lo khiêng vác đồ đạc thì vợ tôi đã lân la hỏi chuyện chị hàng xóm đang chuẩn bị sinh em bé. Đến lúc ngơi việc thì đã nghe vợ tôi kể rành mạch chuyện của mấy nhà lân cận: Nhà nào có mấy người, quê ở đâu, làm nghề gì, có con chưa…
Thì ra, mặc dù bận rộn nhưng vợ tôi vẫn tranh thủ làm quen với một hàng xóm đặc biệt, đó là người phụ nữ đang mang bầu, người cần được quan tâm, chia sẻ, cũng là người thường xuyên ở nhà nên hiểu khá rõ các hàng xóm khác… Đó cũng là một cách tiếp cận láng giềng hiệu quả.
Đôi lúc phụ nữ bị cho là “bà tám” nên dễ “làm quen” với người khác. Điều đó đúng mà cũng không đúng. Đúng vì có dễ dàng bắt chuyện, lân la hỏi thăm thì mới có cơ hội làm quen và kết thân với người khác; không đúng vì điều đó mới chỉ “cần” mà chưa đủ, vì nếu vồn vã chuyện trò nhưng không tạo được sự thân thiện và tin cậy với người đối diện thì cũng không thể kết thân được. Vì vậy, sự xởi lởi, vồn vã tuy cần nhưng quan trọng là phải chân thành, tế nhị, khéo léo và tôn trọng lẫn nhau.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Dĩ nhiên, đàn ông cũng có thể tạo dịp kết thân với láng giềng tự nhiên, hợp lý mà không tạo sự e dè của lối xóm. Một bữa tôi loay hoay tính toán đặt cái thùng phuy trước sân nhà để hứng nước mưa tưới cây thì anh hàng xóm chạy sang vừa phụ một tay vừa gợi ý giúp tôi sắp đặt. Sau cùng, anh về nhà mang sang cho tôi tấm đan không dùng nữa giúp tôi đặt cái thùng lên giá một cách vừa vặn, gọn gàng…
Bữa khác, thấy tôi ngó nghiêng tìm số điện thoại “rút hầm cầu” trên… cột điện trước nhà để giải quyết chuyện ngập lụt trong nhà tắm thì anh sốt sắng cho một địa chỉ tin cậy sau lần nhờ nơi này xử lý sự cố tương tự…
Sự nhiệt tình của anh không chỉ tạo thiện cảm cho gia đình tôi mà còn tạo sự gần gũi, thân mật với các hàng xóm khác. Từ bữa đó, chiều cuối tuần, mấy anh em trong xóm hay uống trà hoặc đánh cờ tướng với nhau; lúc gia đình nào có việc thì anh em các gia đình khác hay giúp đỡ với không khí thân mật, vui vẻ.
Không chỉ vậy, trong việc làm quen với xóm giềng, trẻ con đôi lúc lại là đối tượng hiệu quả và tự nhiên hơn cả. Cách nhà tôi chục căn có hai cháu bé xinh xắn trạc tuổi con gái út của tôi. Hai cô bé rất dạn dĩ, hay chạy xe đạp ngang nhà tôi, nhìn thấy con bé nhà tôi liền sà lại làm quen, lần hồi chơi thân và rủ nhau vào nhà… xem hoạt hình chung. Sau vài lần, đến lượt mẹ của các cô bạn nhí làm quen với nhau!
Ảnh minh họa – JCOMP |
Cuộc sống tất bật hiện nay, khiến nhiều người phải đi xa quê để tìm nơi sinh sống, làm ăn.
Ở thành thị, nhiều khi người ta sống khép kín, ít qua lại, tiếp xúc với lối xóm, láng giềng, thành ra “đèn nhà ai nấy rạng”, “tối lửa tắt đèn” thì hàng xóm cũng không biết. Vì vậy, việc “mua láng giềng gần” là một nhu cầu thực tế để cuộc sống tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn chứ không chỉ để giao lưu, quen biết cho vui.
Bởi có láng giềng tốt và thân thiết thì có thể giúp đỡ nhau nhiều điều trong cuộc sống, từ việc hỗ trợ trong những trường hợp cần kíp đến động viên cùng nhau xây dựng đời sống văn minh, văn hóa, an toàn…
Trúc Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-lang-gieng-gan-a1470611.html” name=””]