Má chị vừa qua cơn tai biến nhẹ. Lúc tỉnh dậy, bà nhìn quanh quất với vẻ thảng thốt. Thấy ba chị, bà mới nhè nhẹ thở ra rồi bảo chị: “Đi mua cho má sợi dây”.
“Chi vậy má?”, chị hỏi. “Để má cột ba bây lại, đi đâu thì má dẫn ổng theo”, má thủng thẳng. Cả nhà nghe muốn phì cười, nhưng nhìn mặt má hoàn toàn nghiêm túc, chẳng ai dám cười. Chị len lén quay đi quệt nước mắt.
Chị hiểu nỗi lòng má. Má yêu ba hơn cả tình thương của sáu chị em chị cộng lại. Giờ má yếu mệt thế này vẫn khắc khoải lo lắng cho ba, sợ ba bơ vơ một mình. Mấy chị em chăm ba chẳng thể nào bằng má, má rành từ nết ăn nết ở, uống thuốc gì, giờ nào…
Mỗi sáng ba thức dậy đã có tô cơm rang hoặc mì gói, hủ tíu xào… để sẵn; phích nước nóng đã được châm đầy và bộ ly tách, bình trà đã được chùi sạch tinh tươm. Ngày nào ra đồng má cũng về sớm hơn ba một chút để lo cơm nước, nấu ấm nước nóng cho ba tắm nếu trời lạnh. Một năm đôi lần ba về quê nội giỗ chạp tết nhất. Má soạn sẵn quần áo cho ba, chuẩn bị bàn chải, kem đánh răng, khăn lớn khăn nhỏ, quà biếu ông bà, tiền lì xì các cháu nhỏ… Ba chỉ việc thay quần áo và xách ba-lô lên đường. Về tới nhà nội, tới “tiết mục” nào thì ba chỉ cần lục trong ba-lô là có sẵn.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Chị lấy chồng xa, mỗi lần về nhà vòi vĩnh má đổ bánh xèo. Ngoài nhân thịt vịt chị thích, má luôn làm thêm đĩa ếch xào, vì ba chỉ thích bánh xèo nhân thịt ếch. Bánh xèo đổ ăn liền nóng hổi mới ngon. Bột bánh đã chuẩn bị xong, nước chấm, rau thơm đã sẵn sàng, nhưng má cứ lần lữa: “Chờ chút nha bây, chờ ba về đã”. Chị hờn dỗi: “Má làm bánh xèo đãi ba chớ đãi vợ chồng con đâu”. Má cười giả lả. Chị biết, ba chưa về thì má nhất định sẽ không ăn.
Chị nhớ lần má về ngoại đám cưới người chị họ. Ở nhà, lối xóm sang mời đám giỗ. Ba thủng thẳng tưới mấy chậu kiểng, tỉa lá cắt cành. Sắp tới giờ đi đám giỗ, ba ngơ ngác hỏi chị: “Ba mang gì đi đám giỗ hả con?”, “Cái áo sọc xanh của ba không biết má con cất đâu rồi?”, “Con có tiền không? Biết má cất tiền chỗ nào không?”… Chị quýnh lên, lục tung tủ đồ để kiếm áo, kiếm tiền, rồi chạy sang hàng xóm hỏi dì Năm mua gì để ba đi đám giỗ… Chiều má về, ba trách: “Bà đi mất biệt làm ở nhà rối nùi”. Má cũng thảng thốt “vậy hả”, đầy vẻ tự trách, như thể má là người có lỗi.
Chị nhớ năm ngoái ba bệnh nằm bệnh viện. Má đang lên huyết áp, xây xẩm mặt mày, nhưng má cũng cố kêu chị chở vào bệnh viện với ba. Ở phòng bệnh, ba đang làm nư vì “cháo sao lạt nhách, không ngon như má bây nấu”, “cái khăn cứng quèo, về kêu má bây đem khăn khác vào”… Má vào tới, cũng cháo đó, khăn đó, nhưng mọi thứ đều êm ái, chẳng nghe ba phàn nàn gì nữa.
Ảnh mang tính minh họa – Rawpixel.com |
Bây giờ má bệnh. Nhìn ba như nín thở dõi theo từng nhịp thở lên xuống của má, chị biết ba đang hoang mang. Ba má cũng từng cằn nhằn, hờn giận trách móc nhau, nhưng có ai xa ai được phút nào. Nhìn lại cuộc hôn nhân hờ hững của mình, đem so với tình thương ba má dành cho nhau, chị ngậm ngùi tự hỏi hạnh phúc chỉ cần giản dị vậy sao?
“Mua dây cột chồng”, chẳng phải má muốn giữ ba hay ghen tuông gì, chỉ là má sợ vắng má rồi ai sẽ nâng niu, chăm chút ba. Sợi dây yêu thương bao nhiêu năm má nắm trong tay hoài không mỏi, đến lúc sức tàn lực kiệt vẫn khoắc khoải, lo âu.
Nhìn bàn tay gầy xương xẩu của ba run run lau mặt cho má, chị chảy nước mắt. “Bà ơi, ráng khỏe lại để cột tui hoài nghen”, giọng ba như thể có cơn mưa vừa ào qua, sũng nước. Rưng rưng nhìn hai bàn tay gầy gò của ba má đan vào nhau, chị lại nguyện cầu bình an…
Thùy Gương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-day-cot-chong-a1463763.html” name=””]