Nếu có một câu hỏi: “Mẹ để làm gì?”. Tôi không biết bạn sẽ trả lời thế nào, nhưng với tôi: “Mẹ là chỉ để yêu thương mà thôi!”.
Yêu thương ở đây chỉ xin đề cập một vế từ phía mẹ. Người yêu thương bạn vô điều kiện, giữ bí mật cho bạn không ai tốt hơn người mẹ (nhưng hiếm thấy con cái tâm sự với mẹ về những bí mật của riêng mình, có thể vì nhiều lý do: sợ mẹ buồn, hay cả vì sĩ diện, kiêu hãnh với mẹ nữa). Mẹ sẵn sàng làm tất cả cho bạn với mong muốn bạn được vui, cho dù cái vui của bạn được trả bằng những tiếng thở dài và cả giọt nước mắt của mẹ… Nhiều lắm, “lòng mẹ bao la như biển thái bình” mà.
Mẹ biết hết những thói quen của chúng ta, nhưng chúng ta đã biết bao nhiêu về mẹ? (Ảnh minh họa) |
Tôi sẽ đặt vài câu hỏi (về những chuyện rất nhỏ) với bạn trẻ:
– Nếu phải ngồi xếp đống quần áo chung cho cả nhà, đã có bao giờ bạn phân vân không biết cái áo/quần này đúng của mẹ không? Mẹ đã mặc nó trong bao lâu?
– Có bao giờ bạn quan tâm mẹ thích ăn gì? Bạn có biết rất nhiều lần trong cuộc đời mẹ không dám ăn món này, món kia chỉ vì mẹ muốn dành món ăn đó cho bạn? Không phải mẹ không có tiền để mua thức ăn đó, nhưng tôi cam đoan rất nhiều bà mẹ không dám mua một thức ăn ưa thích cho riêng mình.
– Bạn đã lần nào vùng vằng với mẹ vì hôm đó nồi cơm mẹ nấu hơi bị nhão, món canh hơi mặn?
– Có bao giờ bạn chú ý nhìn dáng mẹ từ phía sau? Mẹ đi tất tả, nhàn nhã thong dong, hay luôn đi nhanh như chúi về phía trước, lúc nào cũng vội?
– Có bao giờ bạn nhớ hôm ấy mẹ mặc áo màu gì khi ra khỏi nhà? Bạn có chú ý sự thay đổi khi mẹ vừa cắt tóc để nói lên lời khen tóc mới đẹp cho mẹ vui?
Những câu hỏi quá đơn giản, nhưng không dễ trả lời, phải không?
Vậy nhưng, ngược với bạn, mẹ sẽ kể rành mạch, chính xác: quần áo này là của bạn, mẹ nhớ bạn mua trong dịp nào, nhớ cả chi tiết rất nhỏ như lúc đứng trước gương thử, bạn không hài lòng chúng ở điểm nào, bạn buồn ra sao khi cái áo không vừa ý…
Mẹ biết bạn không ăn được khổ qua vì đắng, trong khi mọi người trong nhà đều thích ăn. Có thể mẹ sẽ làm cách nào đó cho món ăn bớt vị đắng, bạn có thể ăn được mà cả nhà vẫn thấy ngon. Mẹ biết bạn không ăn cay. Hôm nào có món canh chua cá, mẹ xắt thêm trái ớt bỏ vào cho “bán” mùi tanh, mà trong nhà ai cũng thích, mẹ sẽ nhắc nhỏ bạn trước rằng món canh hơi cay xíu để tránh không gặp phải nét mặt nhăn nhó của bạn.
Có hôm nào đó bạn về nhà sớm mà mẹ vì lỡ sa vào một bộ phim Hàn Quốc, hay nói chuyện điện thoại với bạn bè hơi lâu, chưa kịp có cơm cho bạn ăn, vì sau đó có thể là bạn đi xem phim, cà phê… Bạn có chú ý đến vẻ mặt như có lỗi của mẹ vì không làm tròn nhiệm vụ không? Hay bạn chỉ biết cau có, mẹ làm gì ở nhà mà giờ này chưa có cơm?
Có hôm nào vì gặp chuyện buồn bực bên ngoài, bạn mang về nhà sẵng giọng với mẹ: “Nhà dơ quá, mẹ không quét à?”
Tất cả những điều đó xuất phát từ tâm lý: mẹ là của bạn.
Bởi là của bạn, nên bạn cho mình có quyền trách cứ mẹ mà không sợ mẹ phật lòng, thậm chí có lúc bạn còn mắng mẹ.
Tuổi 20, 30, 40 trôi qua nhanh. Một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra, người mẹ nằm bệnh trên giường kia sao mà nhỏ bé quá. Đôi bàn tay gầy gò đầy những gân xanh một đời làm những việc không tên. Đôi chân ngày xưa thoăn thoắt nhà trên, nhà dưới, ra chợ, đến cơ quan…
Làm sao bạn hiểu được tâm lý người mẹ lúc này như có lỗi, rằng mình ốm đã làm phiền con cái biết bao nhiêu. Ăn miếng cháo con nấu cũng áy náy vì con phải dừng công việc làm để chăm sóc mẹ. Nửa đêm, mẹ thèm ăn một cái bánh bao cũng ngại không dám nói thật vì sợ con nhăn nhó khi phải đi mua.
Chỉ là những chuyện nhỏ nhặt phải không? Con người ta lớn lên bằng bài học từ những điều rất nhỏ ấy.
Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngay-cua-me-niem-vui-cua-con-me-da-doi-bang-gi-a1463145.html” name=””]