Ai đến vườn cũng ngạc nhiên: “Đàn bà chơi kiểng, quá nể!”. Quả thật, nghề cây kiểng đã đưa chị Mai lên hàng nữ tỷ phú nổi tiếng trong vùng.
Chị Ngọc Mai nói: Chăm sóc kiểng cũng giống như… nuôi con nít |
Lên hạng tỷ phú nhờ cây kiểng
Cách đây 12 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (ngụ ấp 17, xã Long Trung, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu chơi kiểng theo kiểu “năm ăn năm thua”.
Ngôi nhà chị đang ở xây trên thửa đất 3.600m2, hoàn thành cách đây vài tháng. Trong khu đất đó, ngoài diện tích ngôi nhà hơn 900m2, phần còn lại được bố trí hàng trăm gốc kiểng, vừa làm cảnh vừa mua bán. Chị kể: “Hồi đó đây là khu vườn hoang, đất trũng. Thấy miếng đất có địa thế đẹp nên tôi mua với giá hơn 4 tỷ đồng, tốn thêm hơn 200 triệu đồng bơm cát để trồng cây kiểng. Sau đó có dự án xây cầu Ngũ Hiệp nối từ đất liền qua cù lao Năm Thôn, nên thửa đất của tôi bị giải tỏa một phần”.
“Hay không bằng hên”, dù bị giải tỏa gần 400m2, nhưng bù lại, khi cầu xây xong giá đất khu vực này cũng tăng so với trước. Thửa đất chị mua đang sử dụng làm khu vườn ươm trồng kiểng. Nếu tính theo giá thị trường thì hiện cũng hơn 35 tỷ đồng, chưa kể giá trị của gần 1.000 gốc kiểng.
Chị đã có nhà ở khu phố chợ Ba Dừa. Vì vậy, lúc đầu khi mua thêm thửa đất mới, chị định chỉ để làm vườn kiểng. “Tình cờ có người bạn tới mua kiểng. Anh ta ngó tới ngó lui địa thế rồi… xúi tôi cất nhà. Một người bạn khác lại gợi ý hình mẫu ngôi nhà. Thấy cũng có lý nên tôi chi luôn 10 tỷ làm nhà luôn”, chị Mai tâm sự.
Ngôi nhà chị Ngọc Mai mới cất xong cách đây vài tháng |
Cất nhà xong, chị Mai vẫn tiếp tục vừa làm vừa chơi với nghề kinh doanh kiểng. Ngoài vạn niên tùng là cây chủ lực, còn có mai vàng, mai chiếu thủy, nguyệt quế. Tính cả ba khu vườn của chị hiện có hơn 1.300 gốc kiểng. Trong đó chừng vài trăm gốc giá trị lớn, mỗi gốc có giá từ vài ba trăm triệu đồng trở lên. Người đến mua kiểng, chị đón tiếp niềm nở, giới thiệu kiểng thông thạo, vậy mà ai cũng nói: “Chờ ông xã chị về, tui chốt đơn”. Đến khi biết chị là chủ vườn, họ ngạc nhiên: “Trời, đàn bà chơi kiểng, thiệt là quá nể”. Nghề cây kiểng đã đưa chị lên hàng nữ tỷ phú nổi tiếng trong vùng.
Ở đâu có kiểng là tôi đến
Xuất thân là y sĩ công tác ở trạm y tế xã, lại là xã nghèo, nên kinh tế gia đình chị bấy giờ thuộc diện khó khăn. Một hôm tình cờ có người bạn ghé nhà chơi. Thấy chị có miếng đất rộng nhưng chỉ trồng cây tạp, người bạn gợi ý chuyển sang trồng cây kiểng. Ban đầu chị phản đối: “Tôi có biết gì về cây kiểng, hơn nữa ai mua”. Nghĩ thế, nhưng chị vẫn muốn… liều. Không ngờ đó lại là bước ngoặt giúp chị trở nên giàu có và nổi tiếng trong vùng.
Khởi đầu, chị Mai gom góp hết tài sản trong nhà để bán và mượn thêm của người thân tổng cộng được hơn 30 triệu đồng rồi lên H.Củ Chi, TP.HCM, mua 150 cây giống vạn niên tùng về trồng thử. Vừa làm, vừa học, nhưng vì học chưa tới, không biết cách chăm sóc nên số cây giống mua về bị chết gần một nửa. Xót tiền, chị dành hết thời gian để chăm sóc số cây còn lại.
“Thật bất ngờ, sau 5 năm tôi bán được hơn 1,2 tỷ đồng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi có trong tay số tiền lớn. Từ số vốn ban đầu, tôi dành dụm mua thêm được miếng ruộng 4.000m2 để bơm cát lập vườn và tiếp tục trồng thêm kiểng”, chị Mai chia sẻ.
Thời gian đầu, ngoài việc ươm trồng vạn niên tùng, mỗi tháng chị Mai dành thời gian để rong ruổi khắp các tỉnh, thành để săn lùng, mua thêm cây kiểng về chăm sóc, tạo dáng rồi bán lại. Chị đi khắp mọi miền đất nước, từ Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh rồi về An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau. Hễ nghe ở đâu có cây kiểng là chị tới. Từ viên tùng, vạn niên tùng, mai vàng, lộc vừng, đến cây khế, cây sộp, cây gừa, cây ổi… Cứ thấy cây gì lạ, có dáng đẹp là mua.
Nhưng đó là chuyện của hơn mười năm trước. Còn bây giờ, công nghệ hiện đại nên phương thức kinh doanh cũng thay đổi. Chị Mai có hệ thống “vệ tinh” khắp cả nước. Khi phát hiện có cây quý hiếm, đúng nhu cầu của chị, họ chụp hình gửi cho xem trước. Thấy vừa ý, chị mới trực tiếp tới xem. Nếu mua được thì chị chi hoa hồng cho người môi giới.
“Lúc chưa có dịch COVID-19, có khi mỗi tháng tôi đi Huế vài ba lần để mua mai chiếu thủy và thiên tuế. Với cây tiền tỷ thì phải trực tiếp tới, phải chính mắt mình xem chứ không thể nhờ người khác được. Nhưng cũng có trường hợp nếu xa quá thì nhờ “vệ tinh” quay clip cho. Nếu mình đồng ý mua thì chuyển tiền rồi nhờ họ đóng thùng chuyển về. Mua bán bây giờ thuận lợi hơn hồi xưa rất nhiều” – chị Mai nói.
Chị Mai thành thật, không giấu nghề: “Cây nhà trồng thì cao nhất chỉ bán chừng 400 – 500 triệu đồng. Cây tiền tỷ thì chủ yếu là mua về chăm sóc, chỉnh sửa, tạo dáng rồi bán lại, chừng 5 – 6 tỷ đồng có người mua ngay. Chủ yếu là mai vàng, mai chiếu thủy. Gần đây nhất tôi bán được cây mai vàng với giá 8 tỷ đồng”.
Chăm cây kiểng như chăm con nít
Hỏi chơi kiểng có cần bí quyết gì không? Chị Mai nói: “Chăm sóc kiểng cũng giống như… nuôi con nít. Phải bón phân, tưới nước, chăm sóc thường xuyên và đúng cách”. Nói nghe đơn giản vậy nhưng chị cũng đã từng học kinh nghiệm bằng… tiền. Chị kể có lần đi mấy trăm cây số xuống tận Cà Mau mua mười cây vạn niên tùng với giá nửa tỷ đồng. Nhưng khi đưa về vườn chẳng bao lâu thì ba cây bị chết. Lúc đó, tiếc tiền nên nhiều đêm chị không ngủ được.
Ngôi nhà khang trang nhìn thấy mê của bà tỷ phú |
Sau vài lần thất bại, chị Mai rút được kinh nghiệm là khi mua phải xem xét kỹ lưỡng từ gốc tới thân, cành cây, nếu không sẽ phải trả giá đắt. “Có khi đem cây về, tôi vẫn thấy bình thường, nhưng người ta rải phân hồi nào mình không biết. Khi bứng về thì bị rụi. Còn bây giờ chỉ cần nhìn qua thì tôi biết sức của cây ngay. Ví dụ cây mai vàng thì bộ đế phải đều và đẹp, tay chi lớn, nhìn phải cân đối. Sau khi xem qua tổng thể mới quyết định giá mua. Nghề nào cũng vậy, phải chịu khó mới thành công. Cây nào cũng phải chăm sóc, bỏ bê thì nó rụi”, chị Mai nói.
Một ngày của chị Mai bắt đầu lúc 4g30 với việc đi tập thể dục. Sau đó chị về nhà nấu cơm. Sau bữa cơm sáng với chồng, và cho mấy con cún ăn, nếu không có lịch đi xem cây, chị tới các khu vườn, rảo qua các gốc kiểng xem xét, nếu có phát sinh gì thì xử lý kịp thời.
Chị ít khi ngồi không, nhưng chị luôn dành thời gian và lòng nhiệt tình để truyền kinh nghiệm kỹ thuật, hỗ trợ giống cho những ai thích chơi kiểng… Chị còn hăng hái trong công tác cứu trợ những nơi cần thiết.
Tiểu cảnh trong khuôn viên nhà chị Mai |
Nhắc đến chồng con, chị cười tươi: “Không nhờ chồng con, tôi khó thành công. Mấy cha con tự lo, tự nấu ăn… để tui yên tâm đi theo tiếng gọi của cây kiểng. Hai đứa con tôi còn tự giác học tập, mẹ không phải lo. Mấy cha con còn ủng hộ tôi bằng cách… không đụng vào cây của tôi”. Giờ, con gái lấy chồng định cư ở nước ngoài, con trai làm việc ở TP.HCM, chị đã ngoài 60 tuổi, muốn cận kề bên ông xã để bù đắp những ngày tháng chồng “ôm” hết việc nhà.
Chồng chị, một cán bộ xã về hưu, rất kiệm lời. Hỏi mãi, anh chỉ nói: “Về già, tôi có số hưởng, được ở trong ngôi nhà rợp màu xanh của cây, và được vợ chăm như chăm… kiểng”.
Hoàng Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dan-ba-choi-kieng-moi-ngau-a1462174.html” name=””]