Kim Ngân mong ước dự án tái chế của mình lớn mạnh, để có thêm nhiều tình yêu thương tìm đến, cộng tác và “sống” được với công việc mà mình yêu thích.
Từ một cuộc đi tìm triết lý sống…
Trong các cộng đồng về sống xanh, yêu môi trường… thi thoảng tôi bắt gặp những bài chia sẻ về một cô gái biến tấu những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xinh xinh. Kim Ngân vốn dĩ ít xuất hiện và ngại nói về mình, bởi việc làm ra những chiếc túi từ quần jean, chỉ đơn thuần là câu chuyện của một phụ nữ đang cố gắng theo đuổi niềm yêu thích của mình.
Ngân và sản phẩm xinh xắn đầy cảm hứng từ quần jean cũ |
Cụm từ “thời trang bền vững” gần đây được nhắc đến nhiều khi các hãng đua nhau truyền thông. Với Kim Ngân, mọi thứ lại bắt đầu rất khác, cô dường như không có khái niệm về “thời trang bền vững”. Cô tiếp cận việc tái chế đồ thủ công từ quần jean cũ xuất phát từ lý do muốn tìm gì đó vỗ về an ủi mình.
“Tôi bắt đầu công việc tái chế từ năm 2013, khi đang điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Sau mỗi đợt điều trị sức khỏe giảm sút, tôi làm đồ thủ công đơn giản là để tự an ủi mình, giảm stress”.
Mọi thứ bắt đầu nhẹ nhàng như lời tự bạch của Ngân. Ngân tìm đến thế giới những chiếc quần jean cũ vì cô dường như cảm được sự đồng điệu của mình, như triết lý sống cô dùng để vận hành cuộc sống “dù cũ, dù hỏng thì cũng không vô ích. Như chính tôi, không phải ốm bệnh là vô dụng”.
Những chiếc quần jean được kéo dài sứ mệnh |
Rẽ ngang qua công việc tái chế quần jean cũ, với Ngân giống như việc mình lần đầu chạm tới đam mê đích thực. Nhưng càng làm, Ngân càng hiểu được ý nghĩa con đường đi của mình, biết được rằng việc mình làm tuy nhỏ nhưng cũng chung tay với những lời kêu gọi khắp nơi về việc giảm thiểu tác hại lên môi trường.
Ngân luôn bị ám ảnh bởi câu nói: “Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống; chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc; chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền”. Cuộc sống tiếp diễn và phát triển mỗi ngày. Bất kỳ quá trình sản xuất nào cũng ảnh hưởng đến môi trường nhưng con người không thể ngừng sản xuất và tiêu dùng được. Tốc độ ảnh hưởng tiêu cực của con người đang nhiều hơn tốc độ chữa lành chúng ta dành cho trái đất. Vì vậy việc tái chế, tái sử dụng chất liệu có sẵn sẽ góp phần làm giảm tốc độ phá hủy.
“Jeff Bezos – Chủ tịch Amazon – đang hoạt động vì môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tôi tin ở đỉnh cao của sự giàu có ông ấy hiểu ông “không ăn được tiền”. Chúng ta không làm việc lớn như Jeff Bezos nhưng khi chúng ta thực hành mỗi ngày những hành động vì môi trường, sẽ tạo thành thay đổi lớn”, Ngân chia sẻ thêm động lực dấn thân của mình.
Đến dự án cuộc đời
Tôi hỏi Ngân: “Bạn có sống được với công việc này không?”. Bởi, đam mê, lý tưởng, khát khao thường ít đi cùng với “lời giải” của bài toán tài chính. Làm gì có ý tưởng nào từ việc “chỉ vì thương chiếc quần jean cũ” lại có thể biến thành một dự án khởi nghiệp. Ngân cứ như thế, từ việc đi tìm niềm vui cho mình, đến việc bắt gặp một đam mê lẫn sứ mệnh, không chiến lược, không kế hoạch, không chú ý được mất lời lỗ thế nào.
Có những tháng, Ngân phải dùng tiền từ các khoản khác để bù cho cuộc chơi may túi xách từ quần jean của mình. Chính vì lẽ đó, hầu như Ngân luôn nhận được nhiều lời công kích những câu nói trái chiều.
Bài toán kinh doanh mà nhiều người khác nhìn vào đều thấy không khả thi, họ lại khuyên cô nên từ bỏ. Nhưng Ngân hiểu mình, hiểu lý do bắt đầu công việc này của mình và hiểu vì sao mình chọn công việc tái chế. Công việc này đã khiến mình hạnh phúc thế nào.
Chính Ngân nhận được từng ngày sống của mình ý nghĩa hơn, khi mang lại cho những chiếc quần jean cuộc sống khác, sứ mệnh khác, mà mọi người hay đùa là tái sinh.
Để trao cho những chiếc quần jean cuộc đời mới, không hề đơn giản như chúng ta hình dung. Ngân nói: “Khi nhận quần jean cũ, tôi giặt sạch và treo lên kệ. Sau đó dựa vào chiếc quần đó để đưa ra các thiết kế phù hợp. Tôi tái chế theo tiêu chí tôn trọng mọi thứ thuộc về bản gốc”.
Ngân đã yêu thương, ngắm nghía chiếc quần jean mình nhận được thật lâu, là tái chế đúng nghĩa chứ không phải biến quần jean thành chất liệu mới. Nghĩa là những gì có sẵn của quần jean như túi, khuy, khóa, cạp quần, đỉa quần… sẽ được tận dụng lại hết, để làm điểm nhấn cho túi, balo hoặc làm gì được thì làm.
Xuất phát là dân điện tử viễn thông, Ngân phải tự thân tự học rất nhiều. Tìm hiểu chất liệu lót, xử lý các chất liệu cho phù hợp với jean… cũng phải tự tập, tự mày mò nghiên cứu một mình.
Ngân say mê và cần mẫn với công việc |
Giờ thì mọi thứ bắt đầu khác, Ngân đã có thêm 3 cộng sự, đều là những người có cùng triết lý sống, yêu thủ công, yêu tái chế. Ngân chỉ mong ước rằng dự án tái chế của mình lớn mạnh, để có thêm nhiều tình yêu thương tìm đến, cộng tác và “sống” được với công việc mà mình yêu thích.
Việc có thể mở ra một chuỗi bán các sản phẩm thủ công tái chế tại những điểm du lịch cũng là một ước mơ.
Và lớn hơn nữa, là tạo ra một hệ sinh thái để có thể hỗ trợ đầu ra cho các cơ sở sản xuất thủ công nhỏ lẻ, ít vốn. Từ đó, thợ thủ công sống được với nghề và nghề thủ công của Việt Nam được giới thiệu đi xa hơn tới bạn bè quốc tế. Nói về những điều này, mắt Ngân lấp lánh vui.
“Muốn mọi người cùng làm thì mình hãy làm và làm thật tốt, đừng chỉ nói suông”, Ngân nhắn gửi các bạn trẻ khi muốn dấn thân vào con đường mình chọn.
Lan Khôi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nguoi-viet-tiep-chuyen-doi-nhung-chiec-quan-jean-a1464331.html” name=””]