Tôi chạm nỗi nhớ thương mình hằng ấp ủ bằng việc mua ít bánh mì, bánh bò, bánh da lợn, khoai lang tím; bằng việc nhìn thấy những khuôn mặt người Việt, nghe tiếng “Con ơi”, “Bé ơi” nơi đất khách quê người gần 20 năm qua.
Ảnh Shutterstock |
Thi thoảng sáng cuối tuần, nhất là vào mùa thời tiết đẹp như mùa thu này, tôi thường đi chợ của người Việt Nam. Ở Dorchester và Boston (Mỹ) có khá nhiều người Việt sinh sống nên chợ Việt Nam không ít. Chợ bán rất nhiều đồ Việt Nam. Tôi nấu ăn không ngon nên không đi chợ để mua thức ăn thường ngày cho gia đình, mà chỉ vì muốn chạm vào quê nhà thân thương nằm trong ngực trái của mình.
Tôi chạm nỗi nhớ thương mình hằng ấp ủ bằng việc mua ít bánh mì, bánh bò, bánh da lợn, khoai lang tím; bằng việc nhìn thấy những khuôn mặt người Việt, nghe tiếng “Con ơi”, “Bé ơi” nơi đất khách quê người gần 20 năm qua.
Lần nào tôi cũng ngẩn ngơ đứng nhìn, nghe và nhớ. Đầu thu năm nay, thời tiết hệt những ngày giáp tết ở miền Tây quê tôi khi mùa gió chướng về. Những ngày đó, mấy chị em như bầy gà con chui trong cái mền hoa đỏ của mẹ, nằm nghe gió thổi tốc mái nhà phần phật, ngủ lúc nào không hay, mơ mau đến tết sẽ có áo mới, sẽ chạy loanh quanh xem bà nội tráng bánh tráng.
Hôm nay, tôi đi chợ sớm. Trước cổng chợ có bày bán mấy chậu hoa cúc tím, ít trái khổ qua, bầu bí, rau cải và 1 chậu ớt. Đứng kế bên là một cụ ông khoảng gần 80 tuổi, gầy ốm, khuôn mặt hiền lành, nét cười chân chất. Bất chợt trái tim tôi như ai đó bóp thắt lại, tôi tưởng như mình đang đi chợ, tưởng như đang đứng trước các cậu, các chú, các dượng ở quê nhà.
Khí hậu và thổ nhưỡng ở Mỹ, nhất là nơi ông cụ ở – New Hampshire – rất lạnh, không hề thuận lợi cho việc trồng cây trái Việt Nam. Hoàn toàn có thể trồng táo, cà rốt, khoai tây, xà lách, blueberry… cho dễ và đạt năng suất cao nhưng ông vẫn bền bỉ trồng cây trái Việt Nam suốt hơn 30 năm qua.
Nghe giá 10 USD cho 1 chậu ớt được chăm bẵm khó nhọc, cho quãng đường 100km từ New Hampshire đến Dorchester, tôi biết ông trồng cây không phải để bán kiếm tiền.
Nhìn cách ông vui vẻ nói chuyện hỏi han, nhìn cách ông rối rít kể, bày vẽ cẩn thận cách chăm chậu ớt, run run lấy thêm trái bầu cong cong, rau hẹ, rau thơm “Cho con gái nè!”, tôi biết ông trồng cây trái Việt Nam, đi chợ Việt Nam để làm gì.
Tôi biết ông trồng cây, chở ra chợ Việt Nam bán cho người Việt Nam là để kết nối tâm hồn mình với quê nhà lâu rồi không có dịp về. Giả như nếu có về thì nỗi nhớ cố hương máu thịt có bao giờ nguôi trong trái tim những người con xa xứ?
Tôi lặng nhìn dáng vóc trong phút chốc không hiểu vì sao đã trở nên thân thương quá đỗi, cố giữ cho niềm thương và nỗi xúc động không trào thành nước mắt. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó đã xa trong ký ức, ông theo ba theo anh mình gieo hạt bầu hạt bí. Ngày nào đó đã xa trong ký ức, chiều chập choạng ông chạy ra hiên nhà hái trái ớt cho ba ăn cá kho. Ngày nào đó đã xa trong ký ức, ông ngồi bên thềm nhà trong cái nắng mai hay cơn mưa dầm lất phất nhìn bông mướp rung rinh vàng rực trên giàn.
Tôi mua chậu ớt của ông. Chậu ớt đẹp như chậu bonsai. Tôi lặng người nhìn cách ông nâng niu gói ghém, hớn hở kể hơn nửa giờ đồng hồ về quá trình gieo hạt, chăm trái, bắt sâu như thế nào để “Làm quà cho con!”. Mấy tiếng “quà cho con” rơi ra hết sức tự nhiên, ăm ắp tình cảm.
Lâu rồi tôi mới cảm thấy vui như hôm nay. Những buồn rầu, lo lắng, những vấn đề trong cuộc sống và công việc có lúc khiến mình ngạt thở, thậm chí có lần còn nghĩ đến buông xuôi đầu hàng, bỗng vơi đi ít nhiều. Thì ra đâu khó để bản thân được vui và mang niềm vui đến cho người khác.
Ông cụ ắt hẳn đã thật vui, cảm thấy tuổi già đi qua có ý nghĩa khi ngày ngày chăm bón cây trái, kết nối với quê nhà, đặc biệt là kết nối với con người. Ông cứ bền bỉ tạo ra những món quà và thơm thảo yêu thương tặng nó cho người như đang tặng cho tôi, rồi thể nào ông cũng sẽ thật vui.
Khệ nệ ôm chậu ớt, tôi chào: “Cảm ơn ông vì đã cho con một món quà”. Nụ cười móm mém của ông tiễn tôi. Một mùa thu ấm sực sau lưng.
Duyên Triệu (Dorchester, Mỹ)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-thom-thao-cho-doi-a1531647.html” name=””]