Sáng nay, lần đầu tiên tôi chải tóc cho mẹ. Tôi ngồi trên thềm, mẹ dưới thềm, những lọn tóc muối tiêu sóng sánh trong tay như lời mẹ tôi rì rầm kể chuyện.
Mẹ luôn tự làm mọi việc cá nhân. Vì một sự cố, tôi mới có dịp nhuộm tóc cho mẹ (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Nếu hai hôm trước mẹ không ráng với lên cao để hái mấy quả khế chua nấu canh rồi bị bong gân tay, thì chưa chắc tôi có cơ hội chải tóc cho mẹ.
Chưa đầy 70, mẹ chồng tôi còn khỏe lắm. Không những việc cá nhân mà nhiều việc lớn bé khác trong nhà mẹ đều quán xuyến, tự làm. Một phần mẹ không muốn phiền con cháu, phần khác mẹ cũng có tính cầu toàn. Hư xe mẹ phải sửa tiệm quen. Rèm nhà bung ra trước gió, mẹ cũng tự tay buộc lại theo kiểu mẹ thích. Ống thông nước trên mái nhà bị tắc do lá cây rụng, cũng phải tự mẹ trèo lên xử lý.
Vì mẹ cầu toàn, ôm đồm, nên khoảng cách thế hệ trong gia đình ngày càng xa hơn. Nhớ khi mới dọn về ở, tôi gần như hét lên với chồng: “Tại sao anh có thể điềm nhiên ngồi chơi game, trong khi mẹ leo mái nhà ngoài kia nhỉ?”.
Chồng tôi thủng thẳng đáp: “Sống ở nhà lâu rồi em cũng như anh thôi, đừng cuống lên thế!”.
Mãi sau này, tôi thấy mình đã bị “chuyển hóa” đúng như lời chồng. Chỉ những lúc mẹ trực tiếp mở lời nhờ cậy làm việc gì thì chúng tôi mới thực hiện, còn đâu chúng tôi tránh gần gũi, tương tác để hạn chế mâu thuẫn nảy sinh.
Thuộc lớp người xưa nên mẹ luôn có những cách nghĩ, xử lý tình huống khác với vợ chồng tôi. Trong căn nhà rộng, nếu chúng tôi muốn tối giản thì mẹ luôn tích trữ thật nhiều đồ đạc. Trước mặt nhà, chúng tôi muốn dọn dẹp thật quang, thì mẹ lại đặt thêm hòn non bộ, bể cá và vài chậu cây để tránh người đi đường nhìn thẳng vào trong. Ngay cả việc nấu nướng, chế độ dinh dưỡng, nuôi dạy trẻ con như thế nào, suy nghĩ giữa hai thế hệ cũng hoàn toàn khác biệt.
Với mái tóc dài của mẹ, nhiều lần tôi khuyên mẹ nên cắt ngắn, hoặc để kiểu bob uốn quăn cũng phù hợp với gương mặt và độ tuổi, nhưng mẹ không theo. Sáng nào, mẹ cũng dành nhiều thời gian cho việc chải tóc.
Thỉnh thoảng, nếu có ai mời tiệc, mời giỗ chạp, mẹ lại hí hoáy trộn thuốc nhuộm rồi tự chải. Vừa chải, mẹ vừa nói: “Mình ở nhà thì không sao, nhưng khi có việc phải đi ra ngoài, bản thân không tươm tất, người ta nhìn tóc tai lòi chân bạc rồi đánh tiếng sao dạo này nhìn nhàu nhĩ, nghe cũng buồn lòng”.
Nghe lời của mẹ, tôi chợt nhớ lại lời ông thầy trong một khóa tập huấn cách đây mấy năm: “Mỗi ngày, trước khi bước chân ra cửa đi làm, tôi đều nói với bà xã câu “Anh yêu em”. Vợ tôi hỏi lại: “Có thật không, em đang dần già đi đấy”. Tôi đáp: “Không, em chỉ đang mới hơn mỗi ngày mà thôi”.
Câu chuyện của thầy khiến những người đàn ông trong lớp cười xòa, còn cánh phụ nữ như tôi thì rưng rưng xúc động, giá mà ai cũng tinh tế và có cái nhìn ấm áp về phụ nữ như thế.
Đối với phụ nữ, dù ở lứa tuổi nào, hướng nội hay hướng ngoại, kiểu người xưa hay người nay, có lẽ họ luôn muốn mình trẻ trung, tươi mới. Chỉ một câu hỏi về tuổi tác không đúng lúc, một câu nhận xét có hàm ý chê bai về màu tóc, vòng bụng, cũng khiến họ trầm buồn, mất tự tin cả tháng trời.
Như mẹ tôi, người mà tôi từng mặc định là mạnh mẽ, thường xuyên bỏ ngoài tai ý kiến bên ngoài, nhưng cũng có lúc xao lòng, sợ người ta chê mình già.
Sáng nay, cầm chiếc lược trong tay, tôi giúp mẹ vén tóc lên, quết thuốc đều đặn vào từng chân tóc. Bọt hóa chất sệt thành màu nâu sẫm, nhanh chóng lấp đi những chân tóc bạc trắng. Đường lược chải đang suôn thì bỗng nhiên chựng lại vì một vết sẹo rõ to phía dưới gáy. Hỏi ra mới biết, trước đây, khi còn trẻ, trên đường làm cô giao liên thực hiện nhiệm vụ, mẹ bị trúng một mảnh mìn. Đó cũng là lý do tại sao mẹ không muốn để tóc bob, cắt tóc ngắn như lời tôi khuyên.
Mái tóc mẹ như dày hơn khi lên màu đen, câu chuyện giữa hai mẹ con lại càng rôm rả. Mẹ kể mẹ lấy chồng muộn, mãi mới sinh được đứa con trai duy nhất là chồng tôi. Khi mới sinh, anh rất nhẹ cân, sau này lại thường xuyên đau ốm. Bệnh của anh ở đường hô hấp, chạy chữa đâu cũng không lành, bồi bổ bao nhiêu cũng chậm lớn.
Năm con trai lên 5, phần vì nóng ruột thương con, phần khác vì nghe lời họ hàng khuyên nhủ, mẹ đem con gửi lên chùa để con thay đổi môi trường sống. Sau gần nửa năm rứt ruột xa cách, ngày đón anh về, mẹ khóc rưng rức vì bắt gặp đôi mắt buồn xo ầng ậc nước. Mẹ luôn hình dung về những ngày con vắng mẹ mà ân hận, mẹ ôm nỗi giày vò nhiều hơn.
Sau này, càng ân hận, hối tiếc bao nhiêu, mẹ càng cưng chiều con, ôm đồm việc vào người nhiều bấy nhiêu. Lâu dần thành tật khó sửa.
Nghe mẹ kể, rồi nhìn bé Nhím đang nhõng nhẽo với ông nội ngoài sân, tôi nhận ra, bấy lâu nay, người cố chấp không phải là mẹ, mà là vợ chồng tôi. Chúng tôi cũng có con, cũng vì dành hết tình yêu thương cho con, muốn điều tốt nhất cho con mà phạm sai lầm trong cách giáo dục, nuôi dưỡng.
Chúng tôi có sách vở, có những khóa học, có mạng xã hội để giúp bản thân biết chững lại, điều chỉnh hành vi. Còn ở tuổi như mẹ tôi, sự tương tác nhiều nhất chính là những cuộc chuyện trò cùng con cái, thế mà vì những khác biệt, chúng tôi đã chọn giữ khoảng cách.
Sau một hồi, cuối cùng tóc của mẹ cũng đã xong. “Tóc đã đen tuyền từ chân đến ngọn rồi, ngày mai ở tiệc, mẹ yên tâm, sẽ không còn ai nhìn thấy những chân tóc bạc nữa” – tôi nói với mẹ rồi đứng dậy vớ lấy điện thoại. Tôi tìm đặt một tuýp thuốc nhuộm tóc thảo dược ít hóa chất, tôi muốn mẹ không chỉ trẻ mà còn khỏe, để tôi có cơ hội gần mẹ, nghe mẹ kể nhiều chuyện hơn…
Minh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhuom-toc-cho-me-chong-a1481648.html” name=””]