Dạy trẻ làm người tốt khó vô cùng. Nhất là với những đứa trẻ mới vừa học tiểu học, câu chữ còn chưa rành. Dạy con như thế nào để lòng tốt của mình không bị lợi dụng là vấn đề vô cùng nan giải.
Con gái lớn của tôi hằng ngày đi học được mẹ cho năm ngàn để ăn quà vặt. Hôm nào con thèm uống nước ngọt, tôi có thể cho con thêm ba ngàn hoặc năm ngàn nữa. Tôi vẫn dạy con khi ăn phải chia sẻ đồ ăn với các em hoặc bạn bè.
Trong xóm, mỗi buổi chiều con tôi ra sân chơi, có một bạn cùng trang lứa chơi cùng, con tôi thường vào nhà và đem bánh kẹo, trái cây… chia sẻ cho bạn. Nhưng có đôi lần, hộp bánh tôi vừa mua, loại đắt tiền, cô bạn hàng xóm được ăn thấy ngon quá, bèn bảo con tôi vào nhà lấy nguyên hộp.
Hai con gái của tôi luôn chia sẻ đồ ăn cho nhau |
Vậy là bé nhỏ nhà tôi không còn bánh để ăn và khóc váng lên. Lúc đó, tôi mới nhắc con gái lớn rằng: “Con mang cho bạn đồ ăn cũng được, nhưng phải chừng mực, vừa phải, một, hai cái thôi. Nếu con đem hết cho bạn, em con sẽ không còn bánh để ăn”. Con gái tôi nghe vậy gật gật đầu có vẻ tiếp thu, nhưng có lẽ cái tính phóng khoáng, thảo ăn của con đã thành thói quen, khó mà sửa được.
Hằng ngày con đi học, tôi hay cho con ít tiền để mua bánh tráng trộn hay miếng gà rán mà con thích. Nhưng có hôm, trong nhóm Zalo của lớp học con có phụ huynh phản ảnh rằng trong lớp có một bạn thường xuyên bắt các bạn khác mua đồ ăn, nghe đâu người đó là lớp trưởng. Tôi hỏi con, con trả lời không, nhưng tôi đoán chắc với tính tình nhút nhát, chắc hẳn con cũng bị bạn kia hiếp đáp.
Một hôm, ba chồng tôi đón con về và kể với tôi, chiều nào ba tôi cũng thấy con gái tôi phải mua đồ ăn cho bạn. Tôi hỏi thì con bảo bạn này lúc đầu cũng có mua cho con ăn, kiểu mua qua mua lại cho nhau, rồi bạn đó bảo mẹ bạn không cho tiền nữa và chỉ còn một mình con mua suốt một thời gian dài. Vậy là, vô hình trung, lòng tốt, sự thơm thảo của con tôi bị lợi dụng.
Tối đó, tôi giải thích với con rằng, con có thể mua cho bạn một – hai lần, nhưng không thể mua mãi cho bạn. Tiền mẹ cho con là để con ăn quà vặt vì để có số tiền đó, mẹ cũng phải đi làm khổ cực mới có được. Nếu bạn kia muốn ăn, mẹ bạn đó phải có trách nhiệm cho tiền bạn đó chứ không phải là mẹ của con.
Con gái tôi nghe ra, có vẻ như cũng hiểu phần nào. Tôi thắt chặt hơn số tiền cho con. Thỉnh thoảng, tôi thấy con mua đồ ăn vặt về để dành cho em gái. Thấy con tiến bộ và hiểu chuyện, tôi nghĩ mình đã dạy đúng cách.
Với con gái giữa nay học lớp lá, tôi cũng dạy con về sự thơm thảo, về sự chia sẻ, nhường nhịn miếng ăn cho nhau. Ví như, có hôm, cô gái giữa được cô giáo cho hai cây kẹo mút và hai cái bánh. Đi học về, con khoe với tôi: “Hôm nay con ngoan nên được cô thưởng kẹo”. Thế nhưng con nhất định không ăn, mà đợi chị Hai về ăn cùng dù con có vẻ rất thèm thưởng thức liền cái bánh thơm ngon đó.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Có hôm, vào buổi trưa thứ Bảy, các con hứng chí đòi ăn pizza trong khi chồng tôi đi làm chưa về. Thế nhưng, khi bánh có rồi, hai con vẫn không chịu ăn, nhất định phải đợi ba về cùng ăn. Mùi bánh pizza thơm lừng, hai con nuốt nước miếng ừng ực nhưng không khui hộp bánh. Vậy là, tôi đã thành công trong cách dạy con về việc phải biết chia sẻ miếng ăn.
Có ai đó đã nói với tôi rằng “muốn dạy con làm người tốt, trước tiên cha mẹ phải là người tốt”. Tôi dạy con chia sẻ thức ăn cho nhau và chính tôi cũng làm gương cho các con thấy. Mỗi lần mua gì ngon, tôi đều múc riêng và mời ba mẹ chồng ăn trước. Có những món ăn dù ít, tôi cũng chia ra đủ phần để cho các con thấy đó là điều nên làm.
Tôi tin, bài học về sự chia sẻ và nhường nhịn từ miếng ăn, sau này, khi lớn lên, sẽ giúp các con biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Huyền Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/phai-la-nguoi-tot-moi-day-con-thanh-nguoi-tot-a1473323.html” name=””]