Ly hôn đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong thế giới của 1 đứa trẻ. Thông thường, theo quan điểm của chúng, đó là sự mất mát gia đình. Từ đó, việc ly hôn giữa cha mẹ có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của con cái.
Trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng
Khi được kể về việc cha mẹ sẽ ly hôn, nhiều đứa trẻ cảm thấy buồn, tức giận và lo lắng bởi chúng khó hình dung cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào. Đáng ngạc nhiên, ngay cả trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng khi cha mẹ ly hôn. Trẻ có thể cảm thấy căng thẳng nhưng không thể hiểu lý do đằng sau xung đột. Nếu căng thẳng tiếp tục, trẻ có thể trở nên cáu kỉnh (đặc biệt là khi ở gần những người lạ) hoặc thể hiện xu hướng chậm phát triển.
Sau ly hôn, đừng để con cái phải là người thứ ba đứng giữa “chiến sự” của cha mẹ – ẢNH: ISTOCK |
Ly hôn cũng dễ dàng ảnh hưởng đến tình cảm và tâm lý của trẻ từ 18 tháng đến 3 tuổi. Trong khoảng thời gian chập chững biết đi, mối liên kết chính của trẻ là với cha mẹ. Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn lớn nào trong cuộc sống gia đình đều rất khó chấp nhận.
Đối với trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6, ly hôn là khái niệm khó hiểu. Trẻ mẫu giáo không muốn cha mẹ xa nhau. Trẻ có thể trải qua những cảm giác không chắc chắn về tương lai, có những suy nghĩ khó chịu hoặc bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng.
Ở độ tuổi từ 6 đến 11, trẻ phải vật lộn với cảm giác bị bỏ rơi, đổ lỗi cho cha hoặc mẹ về sự chia ly. Trẻ thể hiện sự tức giận theo nhiều cách tiêu cực: đánh nhau với bạn, đả kích cả thế giới hoặc trở nên lo lắng, thu mình, chán nản.
Đối với một số trẻ, ảnh hưởng của việc ly hôn thể hiện rõ rệt về mặt thể chất, chẳng hạn trẻ đau bụng hoặc đau đầu do căng thẳng.
Bảo vệ trẻ trước đổ vỡ
Cha mẹ thường khó biết con cái họ thực sự nghĩ gì hoặc cảm thấy thế nào về những thay đổi trong gia đình sau tan vỡ. Vì nhiều lý do, hầu hết trẻ nói rất ít về những cảm xúc phức tạp của bản thân xung quanh cuộc ly hôn của cha mẹ.
Đối với một số gia đình, việc cha mẹ tiếp tục tranh chấp tài sản là vấn đề có khả năng gây tác hại rất lớn cho con cái. Xung đột cũng làm xói mòn việc nuôi dạy con hiệu quả, góp phần gây ra các vấn đề về cảm xúc và hành vi của trẻ.
Ảnh mang tính minh họa – Racool_studio |
Vì vậy, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong cách con cái thích nghi với việc ly hôn. Dưới đây là một số chiến lược có thể làm giảm tác động tâm lý của việc cha mẹ ly hôn đối với trẻ:
– Cùng nuôi dạy con một cách hòa bình: Xung đột gay gắt giữa cha mẹ được chứng minh là làm tăng sự đau khổ của trẻ em.
– Duy trì các mối quan hệ lành mạnh: Giao tiếp tích cực, sự ấm áp của cha mẹ và mức độ xung đột thấp có thể giúp trẻ thích nghi tốt hơn với việc ly hôn.
– Sử dụng kỷ luật: Cha mẹ nên cùng nhau thống nhất, thiết lập các quy tắc phù hợp với lứa tuổi cho trẻ.
– Giám sát: Cha mẹ nên chú ý đến những gì trẻ làm, những người trẻ giao tiếp vì phần lớn thanh thiếu niên ít có khả năng thổ lộ các vấn đề của mình với cha mẹ sau khi cha mẹ ly hôn.
– Trao quyền cho trẻ: Những đứa trẻ nghi ngờ bản thân có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hãy nói với trẻ rằng trẻ có đủ sức mạnh tinh thần để thích nghi với cuộc sống mới.
– Giúp trẻ cảm thấy an toàn: Việc giúp con bạn cảm thấy được yêu thương, an toàn sẽ giảm nguy cơ trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
– Nhận trợ giúp chuyên môn: Cha mẹ nên thực hành tự chăm sóc và nhờ chuyên gia hoặc tận dụng các nguồn lực khác để giúp điều chỉnh những sự thay đổi trong gia đình.
Ngọc Hạ
(theo NCBI, Child-encyclopedia, Parents, Harbor Mental Health)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tac-dong-cua-ly-hon-doi-voi-tre-em-a1479077.html” name=””]