Đào cỏ không cần nhiều sức lực, nhưng lại rất cần tính kiên trì. Nó là một công việc đơn điệu, buồn chán.
Tiết trời xứ Quảng Trị quê tôi gió sương khắc nghiệt, chẳng đứa trẻ nào muốn ra đồng lúc sáng sớm. Khi khắp nơi vẫn còn vương hơi lạnh, lúc nào tôi cũng có cảm giác muốn chui vào giường vùi ngủ. Nếu phải đi, thì chỉ vì cha mẹ bắt đi, bị giao cho một cây cuốc con con rồi bắt đầu còng lưng đào cỏ.
Cỏ đâu ra mà nhiều thế, cỏ mọc khắp nơi, mọc từ triền đê lan sang bờ ruộng. Này thì cỏ chác, cỏ đay, cỏ tượng, cỏ voi… Đặc biệt nhất phải kể đến cỏ cú. Trước đây có lần tôi từng nghe ba kể, củ của giống cỏ cú có thể dùng để ngâm rượu chữa bệnh xương khớp, nhưng tôi không chắc, bởi nếu quả thật thứ rượu ấy hiệu quả và có thể thu hoạch bán, thì bà con quê tôi đã không phải năm này qua năm khác chịu vất vả.
Giống cỏ cú mọc dày, xanh um như mạ. Rễ cỏ cú thuộc dạng củ có vỏ cứng, màu đen, chúng không ngừng đâm ngang chỉa dọc rồi kết lại thành chùm trêu ngươi lúc lỉu. Nếu không cẩn thận chỉ cần để sót lại một nhánh nhỏ, ngay lập tức hôm sau đã sinh sôi thành một bụi lớn, tua tủa phơi ngọn thẳng lên trời. Đây là giống cỏ sống dai, sống khỏe bậc nhất, cũng là loại cỏ có mùi thơm rất đặc biệt. Có lẽ thơm nhất trong các loại cỏ mà tôi từng gặp.
Đào cỏ không cần nhiều sức lực, nhưng lại rất cần tính kiên trì. Nó là một công việc đơn điệu, buồn chán. Không biết bao nhiêu lần, mẹ và tôi lắc đầu ngao ngán khi đứng trước một mảnh ruộng lớn toàn cỏ là cỏ. Bắp và đậu mọc lưa thưa, cây cách cây gang tay, vẽ nên những đường kẻ yếu ớt, còn lại toàn bộ bề mặt đám ruộng phủ đầy cỏ dại. Chúng tôi tức tốc vào việc, chạy đua cùng cỏ. Chỉ cần chậm vài buổi, cỏ sẽ thắng cây trồng. Chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng rồi phổng phao, cao vút, để lại một đám bắp đậu còi cọc, chẳng bao giờ đủ sức để đơm hoa, kết quả.
Để bớt nản, chúng tôi chia nhau làm cỏ theo từng hàng dọc. Vạch kẻ của bắp đậu sẽ được chọn làm dấu chỉ. Mẹ hai hàng đầu tiên, tôi sẽ làm hai hàng kế tiếp. Những nhát cuốc bổ xuống, đất mới ùn lên, ôm trọn gan bàn chân tôi, mát lạnh. Đám cỏ bị thương, tơi ra theo đất, mùi tinh dầu thoảng đưa hương trong gió.
Vừa làm, mẹ vừa kể chuyện. Mẹ là một kho chuyện không bao giờ dứt. Mẹ kể chuyện hồi trẻ mẹ cùng mấy dì phải di tản, xa bà ngoại sớm nên sống thiếu tình thương gia đình như thế nào. Mẹ kể về ngày gặp ba tôi đầu tiên; kể về cuộc sống hậu bao cấp, nhà nào trong làng cũng đông con, khó khăn, nên phải tăng gia thêm việc nuôi heo và bóc lạc (đậu phộng). Rồi mẹ kể về tình làng, nghĩa xóm…
Tôi có ít chuyện để kể, mà thường xen vào chuyện của mẹ những câu hỏi. Chỉ trong những lúc như thế, mẹ mới có thời gian giải đáp tường tận những thắc mắc của tôi. Tôi bận học, mẹ cũng có cả trăm chuyện không tên ở nhà, nhưng mẹ con lại dành cho nhau nhiều thời gian trên những cánh đồng. Trò chuyện nhiều khiến tôi và mẹ hiểu nhau, thương nhau hơn.
Mặt trời lên cao, đã nửa buổi làm cỏ trôi qua. Mẹ dừng tay, đi đến bụi cây phía đầu chân ruộng, lôi ra một bịch ni-lông gói kín. Mẹ bảo tôi nghỉ tay để uống nước.
Ảnh mang tính minh họa |
Từ trong chiếc túi ni-lông, mẹ lôi ra nào là hạt dưa, hạt sen, mứt gừng, bánh in, bánh thuẫn… Đây là những món còn lại từ dịp tết, lúc trước ăn rất ngán, bây giờ trở nên ngon chi lạ, mứt nào cũng dẻo, bánh nào cũng thơm…
Chúng tôi ngồi đó, dưới bụi sung dâu, cùng nhau nhâm nhi mứt bánh. Sương trước tầm mắt bắt đầu tan, mặt trời rọi nắng ấm hơn. Thỉnh thoảng, mẹ và tôi ngắm cái bóng dưới chân mình, chúng tôi biết, chẳng mấy chốc nữa sẽ thấy khói từ nóc bếp đầu làng bay lên. Từ phía cánh đồng nhìn về, có một ngôi nhà với bữa cơm ngon đang đợi… Bà nội và cha hẳn đang mong gặp lại mẹ con tôi.
Minh Thi
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/theo-me-ra-dong-lam-co-a1461831.html” name=””]