Điều gì khiến cho bọn trẻ hết lòng vì thú cưng nhưng lại nhạt nhẽo với tình thân? Phải chăng xã hội hiện đại làm thay đổi những giá trị về tình cảm gia đình vốn bền vững từ xưa đến nay?
Anh có cô con gái sống cùng bà nội ở Củ Chi (TP.HCM) từ khi con còn nhỏ. Vợ chồng anh ly hôn, tòa xử vợ nuôi con trai, chồng nuôi con gái. Anh là đàn ông, vụng về chăm con, lại phải bươn chải mưu sinh. Biết là mẹ đã già, chăm sóc một đứa trẻ rất vất vả, nhưng anh không còn cách nào khác, đành nhờ bà chăm cháu.
Bà nội thương đứa cháu thiệt thòi, nên lo lắng từng li, từng tí, từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành, vui chơi… Anh thỉnh thoảng về thăm, hỏi han con, nhưng từ khi anh có gia đình mới thì sự quan tâm cũng vơi đi. Con gái anh khôn lớn, bình an trong vòng tay của bà nội.
Năm ngoái, con gái đậu đại học nên chuyển về ở trung tâm TP.HCM để tiện học tập. Hai bà cháu xa nhau, nhớ nhung da diết, nên rất chăm điện thoại chuyện trò. Mấy tháng gần đây, con gái anh nuôi một con chó. Lúc rảnh rỗi là con chơi với chó, đi đâu cũng mau mải để về ôm ấp, hôn hít, vuốt ve.
Ảnh mang tính minh họa – Partystock |
Những cuộc gọi điện thăm hỏi bà nội cứ thưa thớt dần. Nhiều khi anh phải nhắc, con mới gọi cho bà, nói dăm ba câu qua quýt rồi lại xoay sang ôm thú cưng. Anh biết mẹ anh rất buồn và nhớ cháu.
Mẹ anh đột ngột qua đời. Cả nhà thu xếp về Củ Chi làm đám tang cho bà nội. Con gái anh từ chối không về. Anh cố thuyết phục con về nhìn bà lần cuối, rằng bà đã từng yêu thương, nuôi nấng con, bà vất vả suốt đời vì con cháu, rằng nghĩa tử là nghĩa tận, rằng con không về bà ra đi sẽ tủi, sẽ giận… Mặc cho ba năn nỉ, ra lệnh, thậm chí quát mắng giận dữ, con gái vẫn kiên quyết với lý do: Bà mất thì cũng đã mất rồi, con về hay không có thay đổi được gì đâu, mấy ngày ở Củ Chi làm tang cho bà, con chó sẽ chẳng có ai chăm.
Con gái anh vì nhớ và thương con chó, không thể xa chó được. Vì thú cưng, nó sẵn sàng quên tình nghĩa bà cháu, coi thường cảm xúc của người thân ư?
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến chuyện của một bà mẹ có con trai rất yêu chó. Chị kể, con chị đặt tên cho chú chó là Lucky và lúc nào cũng quấn quýt bên nhau.
Sáng con chị đi học, bao giờ cũng ôm hôn chó và nói đi nói lại: “Tạm biệt Lucky, anh đi học nhé chiều anh về”. Xỏ giày xong, đón cái cặp sách từ tay mẹ, vội vã chạy xuống xe đưa rước, quên cả chào mẹ nhưng không quên gửi cho con chó một cái hôn gió. Chiều con đi học về, người mở cửa đón nó chính là mẹ, nhưng đứa con lách qua vòng tay dang rộng của mẹ, không nhìn mẹ nó một chút nào, vì mắt nó dáo dác tìm Lucky rồi rối rít gọi: “Lucky ơi, Lucky à…”. Chú chó chạy ra, thế là con dúi cái cặp sách vào tay mẹ, rồi người và chó lao vào nhau, nựng nịu, quên cả trời đất. Người mẹ kể chuyện con mà rưng rưng nói với tôi: “Mình ước được trở thành con chó cô ạ”.
Tôi biết chị nói đùa, nhưng sao nghe xót xa! Vì đó là những cảm xúc rất thật, rất buồn của bà mẹ khi con coi mình như người vô hình. Phải chăng thằng bé yêu chó đến nỗi lạnh lùng, vô cảm với chính người sinh ra và chăm chút cho nó hằng ngày? Nó cần có con chó, nhưng không hiểu mẹ nó cần nó biết bao.
Vì thú cưng hay vì người thân? Đặt ra một câu hỏi như thế, tôi và các ông bố, bà mẹ trong câu chuyện trên đau lắm. Câu trả lời của những đứa trẻ trong bài viết này đã rõ. Sự lựa chọn của chúng khiến cho ai cũng xót xa.
Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory |
Tôi cứ nghĩ mãi, điều gì khiến cho bọn trẻ hết lòng vì thú cưng nhưng lại nhạt nhẽo với tình thân? Phải chăng xã hội hiện đại làm thay đổi những giá trị về tình cảm gia đình vốn bền vững từ xưa đến nay? Bọn trẻ vô tâm là do ích kỷ, chỉ nghĩ đến thú vui của mình hay do sự nuông chiều và lơ là giáo dục của người lớn?
Thú cưng không có lỗi. Yêu thú cưng là một tình cảm tốt đẹp. Nhưng yêu đến nỗi quên cả tình thân gia đình thì thật là đáng trách và cần phải thay đổi.
Nguyễn Mai Hạnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thu-cung-khong-co-loi-a1471640.html” name=””]