Với tôi mỗi món đồ vật đều là những kỷ niệm đẹp. Có lẽ tôi là người cũ của thế kỷ trước nên có chút hoài cổ chăng?
Trước khi căn nhà của đại gia đình xây xong phần thô, các cháu tôi đã có kế hoạch mua nội thất. Đứa cháu gọi tôi bằng cô sở hữu tầng lầu thứ 3 háo hức tìm các nhà thiết kế nội thất cho phòng ngủ, nhà vệ sinh… Cháu đến tận Định Quán (Đồng Nai) đặt mua 1 bộ bệ thờ bằng gỗ quý. Tất cả thiết bị, đèn trang trí, đồ gia dụng… đều mới tinh. Đồ đạc từ căn nhà cũ đem bỏ hết.
Đứa cháu gọi tôi bằng dì sở hữu lầu 2 cũng mời công ty thiết kế nội thất nổi tiếng để đóng từng cái bàn, tủ âm tường… với những bộ đèn lộng lẫy. Nhà bếp toàn hàng gia dụng hàng hiệu. Lầu 1 thuộc quyền sử dụng của chị Tư tôi. Chị không sống ở đây, chỉ thỉnh thoảng về chơi. Con gái chị cũng sắm các đồ gia dụng mới toanh.
Dù có căn phòng mới, nhưng tác giả vẫn giữ lại 2 cái máy radio cassette mua cách đây nhiều năm (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tôi sống ở tầng trệt. Các cháu đề nghị tôi bỏ hết đồ gia dụng cũ như máy giặt, tủ lạnh, giường tủ, bàn ghế, xô chậu… Các cuộc bàn cãi với các cháu về thay đổi diện mạo phòng ngủ, phòng khách… nhiều lúc khiến tôi phát điên.
Quả thật, đồ gia dụng, nội thất của tôi đã quá cũ kỹ. Tôi tốn tiền triệu chở chúng đi gửi trong thời gian xây nhà, rồi lại chở chúng về sau khi nhà xây xong. Nhưng khi bắt đầu sống trong ngôi nhà mới, tôi buộc phải bỏ máy giặt cũ, máy lạnh cũ… vì chúng sắp hư. Riêng chiếc máy cassette, máy nghe đĩa thì… tôi giữ lại. Với tôi mỗi món đồ vật đều là những kỷ niệm đẹp. Có lẽ tôi là người cũ của thế kỷ trước nên có chút hoài cổ chăng?
Thế nhưng chiếc tủ đựng chén, đựng thức ăn (gạc-măng-giê), kệ tủ đặt ti vi, đầu máy video và chiếc bàn đặt máy vi tính… tôi đành phải bỏ chúng, vì phòng tôi đã quá nhiều đồ đạc. Giờ, má tôi đã ra đi, thật khó để tôi giữ lại những gì tôi sắm cho má và má mua cho tôi.
Trước đây má than thức ăn để trên bếp mèo ăn vụng hoặc thằn lằn liếm láp, tôi mua cho má chiếc tủ gạc-măng-giê giá 5 phân vàng. Má đã rất vui.
Thấy tôi buồn, anh Năm đưa tiền để má mua cho tôi chiếc máy radio cassette tương đương 4 chỉ vàng, để tôi nghe nhạc và luyện Anh ngữ. Thuở đó phim cổ trang và phim Hồng Kông rất được ưa chuộng, má hay đi coi ké nhà hàng xóm. Tôi đã mua cho má chiếc đầu máy video giá hơn 1 cây vàng. Rồi phong trào nghe đĩa nổi lên rầm rộ, tôi mua một máy hát đĩa với 5 chỉ vàng. Thời đó từ mua bán nhà đất đến các vật dụng người ta đều tính bằng… vàng.
Ai cũng trữ vàng. Khi cần mua gì người ta bán vàng để mua.
Đứng trước những đồ vật đã gắn bó với mình và má gần nửa thế kỷ, tôi thấy lòng rưng rưng. Có người quen xin cái gạc-măng-giê, vì họ thấy nó được đóng bằng gỗ tốt. Khu nhà tôi ở thuộc quận 3, đa số gia đình trung lưu, dư dả… chẳng ai thích nhận đồ cũ. Nhiều lần đi hỏi nơi để cho đồ, tôi thật sự thất vọng và bất lực. Tôi muốn những đồ vật tôi từng xài, từng mua bằng những món tiền lớn nhất mình có, nay được người khác sử dụng chứ không “quăng” đi. Xem ra, “quăng đi” cũng thật tủi cho chúng, với tôi chúng cũng có hồn vì chứa đầy ký ức của tôi và má.
Than thở với ông hàng xóm, ông gợi ý tôi mang kệ đặt ti vi và bàn để máy tính “bỏ đại” ở bờ tường ga Sài Gòn. Tối hôm đó, chờ hàng xóm ngủ hết, ông phụ tôi hì hục khiêng 2 món đồ kỷ niệm bỏ gọn bên tường. Theo ông hàng xóm, cứ để kệ tủ, bàn ở đó, ai cần thì đến lấy. Hoặc chúng mục dần, sẽ có người đổ rác đến thu gom.
Sáng hôm sau, tôi hồi hộp chờ tiếng gọi cửa của công an khu vực hay tổ trưởng tổ dân phố “mắng vốn”, nhưng 9g sáng chưa nghe ai “mắng vốn” gì, nên tôi đi chợ. Ra khỏi hẻm, tôi nhìn vào chỗ tối qua tôi vất kệ tủ và chiếc bàn. Ô, tôi không tin vào mắt mình. Chúng đã biến mất!
Tôi lân la hỏi chuyện người chủ quán cà phê gần đó. Ông kể: “Khoảng 6g sáng. Tôi đang lúi húi dọn hàng thì nghe 2 người, hình như là công nhân, nói chiếc kệ tủ và cái bàn còn tốt quá. Một người nói sẽ mang kệ tủ về cho con đựng sách học. Người kia bảo sẽ chở chiếc bàn về cho các con học. Và họ đã dùng dây ràng 2 món đó mang đi. Hình như họ ở phía khu nhà trọ trên kia…”.
Tôi lâng lâng vui trong lòng. 2 món đồ tôi thương đã có chủ mới – những người đang rất cần chúng. Và chúng sẽ tiếp tục có ích, có ý nghĩa trong cuộc đời. Mong rằng chúng sẽ được trân trọng, gìn giữ như tôi đã từng…
Nguyễn Ngọc Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thuong-sao-nhung-mon-do-cu-a1482176.html” name=””]