Trên đường đi thăm ngườii yêu, ông bị rơi xuống hố bom B52 phải nhờ đồng đội giải cứu. Sau này, mỗi lần nhắc đến chuyện này, ông bà lại nhìn nhau cười hạnh phúc: Tình yêu nảy mầm từ những hố bom.
Chúng tôi đến thăm TS Hồ Hữu Nhựt, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, nguyên cán bộ Ban Dân y miền Nam Việt Nam tại tư gia vào một buổi chiều dịu ngọt.
Nắng chiều mang theo những làn gió mát rượi hòa quyện với hương hoa trong vườn nhà khiến lòng người thư thái và hân hoan quá đỗi.
Vợ chồng TS Hồ Hữu Nhật và bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên (bìa trái) và tác giả (giữa) trong cuộc gặp tháng 2/2022 |
Tiếp đón chúng tôi, câu chuyện xoay quanh về những năm tháng ông Nhựt và bà Kiều Tiên tham gia kháng chiến chống Mỹ với rất nhiều những ký ức, kỷ niệm không thể nào quên. Và câu chuyện tình yêu của đôi nam thanh, nữ tú trong thời đạn bom, khói lửa được ông bà nhắc đến với rất nhiều cảm xúc.
Nhớ lại những ngày đầu hai người gặp và yêu nhau, bà Kiều Tiên chia sẻ bằng ánh mắt, giọng nói xúc động xen lẫn tự hào: “Ngày đó, ông Nhựt đẹp trai lắm, lại là trai xứ Huế nên ông rất lãng mạn, tinh tế và sâu sắc”.
Ông yêu bà thì vất vả vô cùng, phải vượt qua rất nhiều trở ngại mới đến được với nhau. Trong trí nhớ của ông Nhựt, mối tình với cô dân y Nguyễn Thị Kiều Tiên vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.
Ông kể: Năm 1971, ông đang công tác ở Đoàn thanh niên thì được cử tham gia lớp học của trí thức miền Nam tại Trung ương Cục miền Nam Việt Nam. Lần đó, ông bị sốt rét, bà Nguyễn Thị Kiều Tiên là dân y được phân công chăm sóc y tế cho lớp học. Bà chích thuốc cho ông. Không hiểu sao khi mũi kim tiêm cắm vào cánh tay nhưng ông thấy nhẹ như không. Tình cảm với cô dân y xinh đẹp, thông minh, dịu dàng như cái tên cha mẹ đặt cho cô nảy sinh trong lòng ông từ ngày đó.
Trong thời gian mấy tháng tham gia lớp học, tình cảm hai người dành cho nhau một lớn dần lên qua những buổi biêu diễn văn nghệ. Khi khóa học kết thúc, ông Nhựt trở lại T4, Bà Kiều Tiên trở về Ban Dân vận R. công tác.
Yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, những lần gặp nhau hiếm hoi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự xa cách, tình yêu đi cùng với nỗi nhớ mong da diết và cả niềm tin, niềm hy vọng trở thành động lực mạnh mẽ để cả hai cùng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và mơ về một đám cưới trong tương lai.
“Anh xem đây là những lá thư viết cho em mà không gửi được”, và ông Nhựt cứ trải tình yêu của mình lên những trang giấy |
Cuốn nhật ký của TS Nhựt chan chứa lời yêu thương gửi người yêu |
Mỗi lá thư gửi đi mang theo vô vàn nỗi nhớ và rất nhiều những lời động viên, chia sẻ mà ông bà dành cho nhau. Hằng ngày, sau khi kết thúc công việc, ông Nhựt lại đưa quyển nhật ký ra viết, gửi gắm nỗi lòng mình với người yêu ở nơi xa.
Những trang nhật ký giúp ông chuyện trò, tâm tình mỗi ngày về những chuyện vui buồn, về công việc, về đồng đội, về mong ước ngày đất nước độc lập và đặc biệt thấm đẫm tình yêu, nỗi nhớ mong khắc khoải và cũng có cả những hờn ghen rất đời thường.
Mỗi lần như vậy, ông bà lại hiểu nhau nhiều hơn, yêu thương và bao dung cho nhau nhiều hơn. Lớn hơn cả đó là họ đã tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho nhau, quyết tâm góp sức đánh thắng giặc Mỹ với lời thề hẹn thủy chung, son sắt về ngày đoàn tụ. Mỗi dịp được đến thăm người yêu, ông Nhựt lại đưa cuốn nhật ký cho bà Kiều Tiên đọc. Không ít lần, bà đã khóc…
Có một kỷ niệm vui mà cả hai ông bà đều nhớ, đó là có lần ông Nhựt từ Củ Chi lên thăm bà Kiều Tiên trên căn cứ Tây Ninh, ông mang theo cả đôi vịt xiêm. Trên đường đi, không may ông bị rơi xuống hố bom B52, phải nhờ đồng đội giải cứu. Sau này, mỗi lần nhắc đến chuyện này, ông bà lại nhìn nhau cười hạnh phúc: Tình yêu nảy mầm từ những hố bom.
Trong thời gian yêu nhau, với một tâm hồn dạt dào cảm xúc, ông Nhựt đã làm rất nhiều bài thơ tặng bà Kiều Tiên và bà luôn nâng niu những món quà đó như báu vật. Bà Kiều Tiên cũng là một tâm hồn thơ ca, bà từng viết bài thơ gửi em gái út đầy xúc động:
Chiều nay ngồi dưới hàng tre/ Lòng con mơ ước mẹ về quê ta / Xem mùa chiến thắng nở hoa/ Xem con ba má trên đà tiến lên/ Phương ơi! có khỏe không em/ Thay chị việc nhà cần kiệm tiêu pha/ Ngày mai khôn lớn lại ra chiến trường/ Ta đi bảo vệ quê hương/ Để rồi quấn quýt tình thương gia đình/ Giặc Mỹ muốn cướp nước mình/ Cả nhà đánh Mỹ bình minh lại về/ Ngày mai sum họp đề huề/ Ngày mai ta lại sẽ kề bên nhau/ Trả ơn cha mẹ công lao/Nước giàu dân mạnh ấm no đời đời!
Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, trong niềm vui chung của đất nước, tại căn cứ Tây Ninh, ông Nhựt và bà Kiều Tiên được Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đứng ra chủ trì tổ chức đám cưới. Một đám cưới trong kháng chiến thật giản dị nhưng ấm áp giữa núi rừng có sự tham gia của mẹ ruột bà Kiều Tiên và các đồng đội thân hữu. Đó là những ký ức rất đẹp và thiêng liêng trong cuộc đời của hai người.
Cưới nhau xong, hai ông bà vẫn phải cách xa. Sau đó một thời gian, trong một lần tình cờ biết hoàn cảnh của hai vợ chồng, ông Nguyễn Văn Linh (khi đó là Bí thư Thành ủy Chợ Lớn-Gia Định) đã liên hệ với Ban Dân y để cho bà Kiều Tiên được về gần chồng. Từ đó, vợ chồng mới có dịp đoàn tụ bên nhau.
Giờ đây, khi ông đã bước sang tuổi 82, bà đã bước sang tuổi 72 nhưng họ vẫn xưng hô với nhau trìu mến “anh-em”, vẫn trao cho nhau những cử chỉ, ánh mắt thiết tha, nồng ấm, chăm sóc nhau từng bữa ăn, giấc ngủ và cùng nhau làm những việc có ích cho cuộc đời.
Ông Hồ Hữu Nhựt hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thồng khối thanh niên và tham gia nghiên cứu rất nhiều công trình lịch sử có giá trị.
Bà Kiều Tiên hiện là bác sĩ, bà mở phòng khám riêng để giúp đỡ bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nghèo và tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Đặc biệt, sau 3 năm tu nghiệp tu nghiệp tại Pháp, bà đã đem trang thiết y tế lọc thận xây dựng khoa lọc máu ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và đào tạo cho 14 trung tâm lọc thận tại miền Nam, trong đó có Trung tâm y tế Đà Lạt và Cà Mau, trị giá 48 tỷ đồng.
Và hơn nửa đời người với biết bao thăng trầm của cuộc sống, ông bà vẫn không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, tâm huyết với công việc, vẫn thiết tha sâu nặng với tình người, tình đời.
Ông Nhựt vẫn giữ nguyên vẹn cuốn nhật ký viết cho vợ mấy chục năm về trước. Còn bà Kiều Tiên vẫn nâng niu và thuộc lòng những vần thơ ông Nhựt viết tặng bà nhân ngày sinh nhật từ thuở đầu mới quen nhau:
Chúa giáng trần theo Chúa một nàng Tiên/ Rồi một hôm nàng Tiên lên đường cứu nước/ Làm cứu thương cho bộ đội tiền phương/ Tay dịu hiền xóa hết mọi đau thương…
Mỗi lần ngâm nga bài thơ, bao ký ức lại ùa về, lòng bà ngập tràn hạnh phúc. Tình yêu trong kháng chiến – nảy mầm từ những hố bom, trải qua biết bao gian nan và thử thách có sức sống thật mãnh liệt.
Bùi Thu Hoàn
(Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tinh-yeu-nay-mam-tu-nhung-ho-bom-a1462570.html” name=””]