Hồi đó, cứ độ thời tiết chuyển dần sang thu, anh trai tôi lại sửa soạn làm chiếc đèn ông sao… to nhất làng.
Anh vốn khéo tay, cũng mê chuyện bày vẽ nên rất thích tự tay làm đèn Trung thu. Niềm vui rước đèn lại đến từ những ngày háo hức chờ đợi, từ những công đoạn mày mò sáng tạo hơn là giây phút chính ngắn ngủi.
Tôi nhớ, anh trai thường đi ngắm những cây tre già, chặt tre và chẻ ra để cố định thành chiếc khung năm cánh. Tiếp đến, anh sửa soạn những tấm giấy màu học sinh lớn để dán lên khung đèn, chứ không kiếm đâu ra giấy kiếng màu để dán. Hồ dán cũng là loại đặc biệt khi được làm từ nhựa cây sung. Anh cầm chén sang nhà bà ngoại, dùng dao chặt vào thân cây sung lớn rồi hứng cho nhựa trắng chảy vào chén.
Ở công đoạn cuối, anh đi tìm một cành tre thật dài và chắc để làm cán đèn. Từ trước Trung thu vài ngày, anh đã hoàn thành xong “bảo vật” của mình. Đám trẻ con trong làng tôi vẫn thường trầm trồ trước chiếc đèn của anh rồi rồng rắn theo nhau rước đèn khắp những nẻo đường làng. Chị em tôi, nếu sợ lạc khi chen chúc giữa dòng người thì chỉ cần ngước lên trên, nhìn thấy chiếc đèn lớn nhất của anh đang dẫn đầu để đi theo là được.
Thời đó, buổi rước đèn luôn thật vui, nhưng cũng đầy thiếu thốn. Những đứa trẻ “chơi sang” nhất mới có đèn năm cánh để rước, chứ phần lớn đều chỉ dắt díu nhau, tay không đi theo.
Đèn năm cánh cũng gặp phải nhiều sự cố khi có đứa cầm nghiêng đèn, lửa nến táp vào giấy kiếng nên cháy luôn phần giấy, chỉ trơ trụi lại cái khung, và chủ nhân thì khóc nấc vì tiếc. Cũng có khi gió thổi vào, nến tắt và châm lửa mãi chẳng lên. Hay số nến cầm đi cho mỗi lần rước đèn cũng không nhiều, chỉ được vài cây, nên đến khi nến hết thì đứa trẻ ngậm ngùi vác mỗi chiếc đèn… không sáng.
Những đứa không được mẹ mua cho lồng đèn năm cánh thường sẽ tự “chế” ra đủ loại đèn. Nào là đèn từ vỏ lon bia, vỏ hộp sữa bằng sắt, những chiếc đèn cù, thậm chí là xách luôn cái chén… Lũ con trai còn mang thêm những chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới bằng nhựa, nghịch ngợm “dọa” nhau, tưng bừng khắp chốn.
Đám trẻ con đi đến đâu là hát vang đến đấy. Không rõ ai bắt nhịp nhưng chỉ cần có một vài câu hát là cũng đủ khơi nguồn một liên khúc đủ các thể loại: “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu” cho đến “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc”… ai cũng hào hứng hòa giọng.
Nhiều năm chúng tôi đang đi rước đèn thì trời mưa, đám trẻ cố che chắn cho chiếc đèn nếu chỉ mưa lất phất. Còn nếu mưa lớn thì đành hùa nhau chạy về thật nhanh, nhiều đứa còn tranh thủ tắm mưa.
Ảnh mang tính minh họa – Đắc Huy |
Sân nhà ông xóm trưởng lúc nào cũng sáng đèn trong dịp Trung thu để “đoàn quân” rước đèn dừng chân phá cỗ. Ở đấy, người lớn đã chuẩn bị sẵn rất nhiều kẹo, đợi đám trẻ con tập trung đầy sân là sẽ bắt đầu phát kẹo. Mỗi đứa một nắm, đứa nào cũng sáng mắt vui mừng dù mình nhận được là loại kẹo gì đi nữa.
Những đứa trẻ năm nào trong cuộc rước đèn vui nổ trời ngày ấy bây giờ đều đã làm cha, làm mẹ. Anh trai tôi lại dạy con trai cách làm những chiếc lồng đèn, kể về một “thời oai hùng” của bố ngày xưa. Còn tôi cũng đã là một người mẹ, thường sửa soạn nhiều hơn những chiếc đèn năm cánh, bày cỗ trông trăng, ngồi bên lũ trẻ kể về những ký ức đẹp đẽ.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tu-lam-bao-vat-dem-trung-thu-a1471639.html” name=””]