Sẽ chẳng ai hỏi bạn đọc bao nhiêu cuốn sách, vì điều đó chẳng nói lên điều gì khi bàn về văn hoá hay nhân cách sống của bạn.
Ảnh minh họa |
Có lần cậu đồng nghiệp tha thiết hỏi tôi có cuốn sách nào hay giới thiệu với cậu ấy, cậu ấy cũng muốn đọc sách, nhưng không biết chọn thể loại nào. Bởi vì cô gái mà cậu ta đang theo đuổi rất thích đọc sách, cậu ấy cũng muốn đọc để có sự tương đồng, tạo thiện cảm hơn với người đẹp. Khi ấy, tôi biết thêm một lý do để người ta đến với sách.
Nhưng dù lý do nào đi nữa, thì có thêm người cùng sở thích đọc sách như mình cũng vui. Tôi nhiệt tình tư vấn những cuốn mà tôi thích, trong đó, có những cuốn thuộc loại “gối đầu giường” mà tôi tâm đắc.
Sẵn có sách trong nhà, tôi cho cậu bạn mượn để khỏi phải mua. Nhưng lần lượt những cuốn tôi đưa, cậu đồng nghiệp đều đem về bảo sẽ đọc nhưng vài ngày sau mang trả lại, với vẻ áy náy hiện rõ trên khuôn mặt. Cậu ấy bảo đọc không vô. Cứ cầm sách lên, lật mấy trang là buồn ngủ.
Lúc ấy, suy nghĩ của tôi còn non trẻ, nên không khỏi tự ái. Tôi không hiểu tại sao những điều hay ho như vậy, mà với cậu ấy lại chẳng có giá trị gì. Cũng may, tôi kềm lòng để không thốt ra những điều khó nghe với cậu đồng nghiệp chỉ vì cậu ấy “không thấy chỗ nào hay trong sách”.
Tôi nhớ có lần, một người chị giới thiệu với tôi về 1 lớp học rất đặc biệt. Chị nói chỉ cần bỏ ra 1 ngày thôi, tương lai sẽ thay đổi. Tôi cũng đến để thỏa tò mò. Đến nơi, tôi thật sự choáng ngợp vì quy mô tổ chức và được đông đảo người đến tham gia (hay cũng chỉ vì tò mò như tôi thì tôi không rõ).
Nhưng chưa được nửa buổi sáng, tôi bỏ về. Chị giận tôi tím mặt, buông những câu khó nghe trong lúc nóng giận chỉ vì chị cho rằng tôi đã bỏ lỡ cơ hội tốt để thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực lên.
Lý do tôi bỏ về vì không phù hợp với không khí đám đông của buổi học. Tôi có tạt sang gian hàng của họ mua 1 cuốn sách nói về quá trình thay đổi bản thân của người diễn giả. Khi đọc, tôi lại thấy thú vị hơn.
Đọc sách hay không là sự lựa chọn của mỗi người (ảnh minh họa) |
Một chuyện không mấy liên quan, nhưng khiến tôi chợt nhớ đến, đó là hồi tôi mở quán chay. Một quán nho nhỏ nhưng để đảm bảo chất lượng món ăn, tôi đi tìm đầu bếp có tay nghề tốt. Cô ấy là người gốc Ấn, ăn chay trường và nấu món chay rất vừa ăn. Chỉ có điều, những lúc ngớt việc, cô ấy lại tụ tập nói xấu những người ăn mặn. Bằng cách kể những câu chuyện về nhân quả, những điều tốt lành mà người ăn chay sẽ có được và ngược lại. Cách của cô ấy vô tình chia rẽ nội bộ và đương nhiên ảnh hưởng không tốt đến đến công việc.
Có những sự việc chẳng có đúng sai gì, mà chỉ là sự lựa chọn. Sự lựa chọn đó tùy thuộc vào tính cách, sở thích của mỗi người. Người thích xem phim, người thích đọc sách, người thích leo núi… Và đương nhiên ai cũng thấy điều đó là phù hợp với mình.
Với những người tự cho là đọc nhiều sách, càng không nên nhìn vấn đề theo kiểu “thầy bói mù xem voi”, mà phải có cái nhìn đa chiều hơn. Nếu như vậy, câu chuyện của cô hoa hậu “chưa đọc hết một cuốn sách nào” cũng chẳng có gì để ầm ĩ.
Sẽ chẳng ai hỏi bạn đọc bao nhiêu cuốn sách, vì điều đó chẳng nói lên điều gì so với nhân cách sống của bạn – thứ mà dù ít hay nhiều người đối diện có thể xác thực được.
Hà Mây (quận Phú Nhuận, TPHCM)
Ý kiến của bạn về việc đọc sách và văn hoá đọc trong sống ra sao, xin chia sẻ cùng chúng tôi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của toà soạn. |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/viec-doc-bao-nhieu-sach-chang-noi-len-dieu-gi-a1527463.html” name=””]