Tôi muốn nói: “Vậy là tết này con không còn được chăm lo cho ba rồi, con luôn nhớ ba thật nhiều”, nhưng lòng tôi nghẹn lại vì đau khổ. Dự định “lúc nào rảnh rỗi thì đưa ba đi xem chợ hoa trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông” đã trở nên lỡ hẹn.
Gần tết, bạn ở miền ngoài gửi vào cho một ít măng khô và miến dong. Tôi soạn mớ đồ đó cất vào ngăn tủ, tần ngần nhớ tới món gà nấu măng truyền thống của gia đình mỗi sáng mùng Một. Lúc ấy tôi chợt bàng hoàng với ý nghĩ: chẳng biết tết này mình sẽ vượt qua khoảnh khắc ấy bằng cách nào.
Bởi năm nay, chẳng còn ba để cùng ăn tết với gia đình tôi nữa. Người đã rời đi, chỉ một thời gian ngắn ngủi sau khi phát hiện ra bệnh hiểm nghèo, để lại chúng tôi chênh vênh với nỗi niềm thương xót. Cảm giác năm hết tết đến mà nhà mình thiếu người so với bình thường, cứ trông trống, buồn buồn, thật khó tin và chấp nhận nổi.
Lời hẹn đưa ba đi xem chợ hoa đã thành muộn màng…(Ảnh minh họa) |
Hình như, không khí cuối năm càng khiến người ta hay loay hoay nhớ những điều vụn vặt. Kiểu như, ba mình thích ăn giò thủ, giò xào nhà làm, nhiều tiêu, nhiều mộc nhĩ. Dù bận bịu thế nào tôi cũng cố gắng tìm được khoanh giò “đúng chuẩn” về cho ba. Ngày đón ba từ quê lên, tôi hay chuẩn bị sẵn đậu hũ và nhộng xào lá chanh cho bữa cơm sum vầy, bởi biết là ba nhớ…
Vài tờ báo xuân được gởi đến nhà, nằm lặng lẽ, buồn tênh từ nóc tủ giày, chuyển sang ngăn dưới của cái bàn sô pha, mà vẫn chưa ai thư thả mở ra đọc. Mọi năm, ba tôi thường háo hức xem qua hết lượt những tờ báo được biếu tặng đó, còn dặn tôi mua thêm ấn phẩm này, ấn phẩm kia, như giữ một nét văn hóa của người xưa. Đám nhóc nhắc ngoại khi đi ngang qua cái ghế đá đầu hẻm, rằng hồi trước ông ngoại hay ngồi ở đây hóng gió…
Chắc phải năm, sáu năm chi đó, từ sau khi về hưu, ba đón tết cùng gia đình chúng tôi. Cứ khoảng sau rằm tháng Chạp, ba lại từ quê lên phố ăn tết với vợ chồng con gái, cháu ngoại. Ông mang theo lủ khủ những thứ rau trái đã được cắt hái, dành dụm từ vườn nhà. Quầy chuối còn xanh ngắt, bó rau ngót, ít cây sả, một hai cái bắp chuối. Rồi mắm cá sặc, cá khô, tôm mực ba đặt mua, chứa trong thùng xốp đầy đá.
Dường như những tích cóp của cả năm đều dành cho dịp tết nhất đông đủ này. Ba hào hứng kể về xuất xứ của mấy món ăn đó, ai biếu ai tặng, mua giá bao nhiêu, mắc rẻ thế nào, phải kỳ công ra sao để có được nó… Chúng tôi ậm ừ nghe ba nói, nào đủ thấu hiểu rằng đấy là niềm vui của một người vừa mới chớm già, chỉ còn chút lo toan này để thấy mình hữu ích…
Tôi vẫn giữ nguyên cảm giác hàng năm, là mùa xuân thật sự ghé ngang khi ba tôi đã lên nhà mình đón tết, cùng với những thứ linh tinh mang hơi hướm quê nhà.
Tuổi thơ của tôi ở đó, những kỷ niệm ấm êm cùng cha mẹ và các em. Tất cả như hiện diện qua đĩa gỏi hoa chuối trộn tôm tươi và đậu phộng, tô canh chua cá nấu với bông súng và rau đắng, rồi mấy con khô cá kèo cá lóc nướng lên bay mùi khắp căn nhà phố chật hẹp…
Tôi nhớ vô cùng những cái tết còn có ba bên đời (ảnh minh họa) |
Những cái tết còn có ba bên đời, tôi có khi làm siêng chở mấy ông cháu lên khu trung tâm, dạo chơi ở đường sách, ghé Thảo cầm viên, rồi đi ăn phở đuôi bò. Dự định “lúc nào rảnh rỗi thì đưa ba đi xem chợ hoa trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông” đã trở nên lỡ hẹn.
Người ta thường sống như kiểu chẳng bao giờ có sự lìa xa, giống như tôi, đã chủ quan không lường tới được cuộc chia ly bất ngờ. Tôi như nhìn thấy ba mình thay cái áo, trang trọng chuẩn bị đón giao thừa. Năm nào ba cũng bảo, đồ đạc còn nhiều, không cần phải sắm mới, xài đâu hết.
Có năm Mùng hai tôi đưa ba qua nhà bà con ở khác quận “ăn tết”, ba tự hào khoe con gái giỏi giang hiếu thuận, quan tâm chăm sóc ba. Những lời này khiến tôi có chút xấu hổ, vì bản thân vốn bận rộn lại hay càu nhàu…
Những ngày đầu năm, cây dành dành ở ban công sau nhà nở được vài cái bông trắng muốt. Tôi cắt một cành, cắm vào bình hoa nhỏ ở bàn thờ ba. Tôi vừa thắp hương vừa trò chuyện với ba: “Con nhớ ngày bé nhà mình ở quê cũng trồng thứ hoa này, thơm lắm. Mới đây mà đã hết năm rồi đó ba à. Mau ghê vậy đó, con vẫn chưa làm được gì nhiều, mà giờ cũng chỉ mong cuộc sống bình dị, nhẹ nhõm”.
Tôi muốn nói thêm rằng: “Vậy là tết này con không còn được chăm lo cho ba rồi, con luôn nhớ ba thật nhiều”, nhưng lòng tôi nghẹn lại vì đau khổ.
Tôi ngước nhìn ba qua tấm di ảnh hơi nhòe mờ, cố gắng tin rằng người vẫn còn đâu đây, dưới mái nhà này, cùng đón tết với con cháu.
Hoàng My
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/da-lo-hen-dua-ba-di-ngam-hoa-xuan-a1483552.html” name=””]