Bước qua tuổi 80, với mong muốn bảo tồn, giữ lửa Ca Huế, nghệ nhân Diệu Liên rất sẵn lòng hướng dẫn, trao truyền mọi “ngón nghề” cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Diệu Liên biểu diễn tại thính phòng Ca Huế vào tối thứ Ba hằng tuần |
Đêm hôm, khoảng cách địa lý xa xôi không ngăn được đam mê nghệ thuật của bà Nguyễn Thị Diệu Liên (80 tuổi, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Mỗi đêm thứ Ba hằng tuần, lúc thì bà nhờ con gái, khi khác lại thuê xe ôm chở mình vượt gần 30km từ làng lên phố biểu diễn, phục vụ công chúng yêu Ca Huế.
Một ngày mùa hè, tôi về thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tìm gặp nghệ nhân Ca Huế Nguyễn Thị Diệu Liên. Con đường dẫn về nhà bà nhiều lần băng qua đồng lúa, những ruộng dưa hấu, dưa hồng, đoạn khác là vùng trũng rộng lớn với nhiều kênh, rạch, ao hồ chằng chịt. Ngay cả con đường đang đi nước cũng tràn ra lênh láng, có đoạn ngập lên gần nửa bánh xe do trận mưa lớn từ tối hôm trước. Có tự mình vượt qua quãng đường ấy tôi mới thấm thía hơn tình yêu mà bà Diệu Liên dành cho nghệ thuật, cho Ca Huế.
Sống một mình trong căn nhà nhỏ tận cuối xóm sâu, thế nhưng cảnh vật, đồ đạc hiện ra không hề buồn bã. Tường nhà vừa mới được sơn lại. Vật dụng trong nhà tối giản nhưng vẫn vừa vặn, tiện nghi. Trên chiếc bàn trà đặt ở phòng khách là cuốn sổ. Lật vài trang, tôi bắt gặp danh mục hàng trăm tựa đề bài hát được bà Liên tỉ mẩn chép tay.
Bà chỉ tay vào dàn loa karaoke đặt nơi góc nhà rồi kể: “Con cái dựng vợ, gả chồng ở riêng, tôi một mình nên mỗi ngày sẽ tự nấu ăn, làm vườn. Lúc nào rảnh thì bật máy ngân nga vài điệu boléro hoặc hát vài bài tân cổ giao duyên. Lúc rảnh nữa thì tôi sẽ bày giấy bút ra để soạn lời Ca Huế. Âm nhạc, Ca Huế với tôi chính là niềm vui, là sức sống tuổi già”.
Khi được hỏi, cơ duyên nào khiến một nông dân thuần chất như bà bén duyên với nghệ thuật, bà kể: “Tôi vốn đam mê âm nhạc và có năng khiếu từ nhỏ nên sớm trở thành một cây văn nghệ chủ chốt của làng. Nơi nào có chương trình đàn ca xướng hát là tìm đến học hỏi, thưởng thức. Bước ngoặt đến vào năm 18 tuổi, khi xem đoàn ca kịch Huế Kim Sanh biểu diễn ở địa phương, tình cờ được gặp nghệ sĩ Thanh Hương, lúc ấy là diễn viên chính của đoàn; biết tôi say mê ca hát lại có chất giọng nên đã giới thiệu với người phụ trách đoàn là nghệ sĩ Băng Tâm. Tôi lập tức được tiếp nhận”.
Mỗi ngày, bà Diệu Liên đều dành thời gian để soạn lời Ca Huế |
Sau khi đến với đoàn Kim Sanh, cô bé Diệu Liên được nghệ sĩ Thanh Hương, Băng Tâm dìu dắt, dạy truyền khẩu các bài bản Ca Huế và cho đóng các vai con trẻ như nhân vật Đạo đồng tuồng Quan Âm Thị Kính, vai đứa con nít trong tuồng Ngón tay nghĩa hiệp… Sau này, do có giọng ca rõ ràng, truyền cảm, phong cách biểu diễn thuần thục các bộ, điệu nên Diệu Liên rất được khán giả yêu mến, các đoàn mời đi biểu diễn khắp nơi.
Bà nhớ lại: “Những năm 1980 là thời điểm tôi tham gia biểu diễn Ca Huế thường xuyên, năng nổ nhất. Lúc đó, Câu lạc bộ Ca Huế thuộc nhà văn hóa Huế (nay là Trung tâm Văn hóa TP Huế) được thành lập, mở chương trình biểu diễn có bán vé. Tôi cùng các nghệ nhân gạo cội như Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương, Thanh Tâm… đã đều đặn gửi đến công chúng những cung bậc Ca Huế vào tối thứ Tư, thứ Bảy hằng tuần”.
Ca Huế, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, từng trải qua nhiều biến động, thay đổi; thế nhưng, với niềm say mê âm nhạc lớn lao, nữ nghệ nhân mỗi ngày vẫn khao khát được hội ngộ, tri âm cùng các thế hệ đàn ca Huế tài hoa xướng lên bao làn điệu để phục vụ cộng đồng.
Năm 2013, bà vui mừng đón nhận tin thính phòng Ca Huế sẽ được thành lập, trở thành không gian để các nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế gặp gỡ, giao lưu và biểu diễn phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Từ đó, tối thứ Ba hằng tuần, nghệ nhân Diệu Liên đều đặn có mặt, trình diễn những làn điệu nổi tiếng: nam ai, nam bình, nam xuân, tứ đại cảnh, long ngâm, phú lục, hành vân, tương tư khúc… Ở tuổi xế chiều, giọng ca thiên phú, kỹ thuật thuần thục và phong cách biểu diễn truyền cảm của bà được khán giả và các thành viên trẻ trong thính phòng chăm chú lắng nghe, trang trọng ghi âm, ghi hình lưu làm tư liệu.
Bà cho biết: “Trừ những lúc đau ốm, còn lại, tối thứ Ba nào tôi cũng nhờ con gái chở đi gần 30 cây số, đến thính phòng ca Huế để biểu diễn. Hôm nào con gái không sắp xếp được, tôi sẽ thuê chú xe ôm trong làng chở đi. Đường sá xa xôi, đêm hôm vất vả, phục vụ khán giả miễn phí, nhưng tôi chưa bao giờ ngần ngại, so đo. Ngày nào còn được ca hát là tôi còn vui, còn yêu đời”.
Bây giờ, bước qua tuổi 80, với mong muốn bảo tồn, giữ lửa Ca Huế, nghệ nhân Diệu Liên rất sẵn lòng hướng dẫn, trao truyền mọi “ngón nghề” cho thế hệ trẻ. Với bà, tuổi tác không phải là rào cản mà rào cản nằm chính trong lòng mình, chỉ cần còn muốn thì việc gì cũng sẽ làm được.
Diệu Thông
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tuoi-gia-sao-cho-vui-con-duoc-ca-la-con-vui-a1520363.html” name=””]